Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguyên nhân phổ biến gây viêm họng ở trẻ nhỏ

Cảm lạnh, tay chân miệng hay viêm họng do liên cầu khuẩn có thể khiến trẻ bị đau, viêm họng kèm ho, khàn tiếng hay chảy nước mũi.

Viêm họng thường gặp ở trẻ em. Tình trạng này thường là một phần của cảm lạnh và do virus gây ra. Hầu hết trẻ em bị đau họng không cần đi khám bác sĩ.

Biểu hiện ho, khàn tiếng hoặc chảy nước mũi khi bị cảm lạnh là nguyên nhân khiến trẻ bị viêm họng. Tuy nhiên, có thể khó phân loại khi con bạn bị viêm họng sẽ tự khỏi hoặc do nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân có khả năng nhất gây đau họng ở trẻ em phụ thuộc vào độ tuổi, mùa và khu vực địa lý của trẻ. Trong khi virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau họng, vi khuẩn cũng là nguyên nhân phổ biến khác.

Vi khuẩn và virus lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc tay. Tay bị nhiễm bẩn khi người bệnh chạm vào mũi hoặc miệng của họ và sau đó chạm trực tiếp vào người khác (tiếp xúc tay với tay) hoặc gián tiếp (tay chạm vào đồ vật, chẳng hạn tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi).

Theo Healthy Children (trang web nuôi dạy con của Học viện Nhi khoa Mỹ), các bệnh nhiễm trùng phổ biến có thể gây đau họng, bao gồm:

- Cảm lạnh: Đau họng thường do nhiễm virus như cảm lạnh thông thường gây ra. Những bệnh này xuất hiện phổ biến hơn trong mùa đông nhưng có thể xảy ra quanh năm. Ngoài việc cổ họng bị đau, ngứa, virus cảm lạnh có thể khiến con bạn bị sốt, sổ mũi và ho.

Thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích cho bệnh viêm họng do virus gây ra. Những bệnh nhiễm trùng này thường cải thiện mà không cần dùng thuốc trong 7-10 ngày. Cách tốt nhất để chăm sóc khi bị cảm lạnh và đau họng là bảo đảm trẻ được thoải mái, uống nhiều nước và nghỉ ngơi đầy đủ.

- Bệnh tay chân miệng: Bệnh tay chân miệng do một họ virus gọi là enterovirus gây ra. Nhiễm trùng này thường lây lan ở trẻ nhỏ vào mùa hè và mùa thu, mặc dù các trường hợp có thể xảy ra quanh năm.

Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm sốt và đau họng hoặc đau miệng, sau đó là phát ban xuất hiện dưới dạng hỗn hợp vết sưng nhỏ màu đỏ và mụn nước, đặc biệt là trên bàn tay, bàn chân, mông và quanh miệng. Các vết phồng rộp và lở loét có thể hình thành trong miệng và cổ họng, gây đau khi nuốt.

Cũng như các loại virus khác, thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích cho loại viêm họng này. Bác sĩ nhi khoa của bạn có thể khuyên dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt và giảm đau, cùng với việc uống nhiều nước và nghỉ ngơi tại nhà cho đến khi vết phồng rộp lành lại.

Viêm họng là triệu chứng điển hình của nhiều vấn đề sức khỏe như cảm cúm, tay chân miệng. (Ảnh: Theconversation)

- Viêm họng do liên cầu khuẩn: Đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em 5-15 tuổi, xảy ra phổ biến vào mùa đông và đầu mùa xuân. Chỉ 20-30% trường hợp nhiễm trùng họng ở trẻ em tuổi đi học là do viêm họng liên cầu khuẩn.

Các triệu chứng bao gồm đau họng, có mủ trên amidan, khó nuốt, sốt và sưng hạch. Trẻ cũng có thể cảm thấy đau đầu, đau bụng và phát ban đỏ giống giấy nhám trên cơ thể.

Ho và sổ mũi không phải là triệu chứng điển hình của viêm họng liên cầu khuẩn ở trẻ lớn. Viêm họng liên cầu khuẩn cực kỳ hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.

Khi nào trẻ cần đi khám do viêm họng?

Nếu chứng đau họng ở trẻ không cải thiện trong suốt cả ngày, đặc biệt là sau khi uống nước, bạn nên gọi cho bác sĩ nhi khoa. Điều này đặc biệt cần thiết nếu trẻ bị sốt, nhức đầu, đau bụng, chảy nước dãi (vì nuốt đau) hoặc có dấu hiệu mất nước.

Bác sĩ có thể yêu cầu trẻ xét nghiệm liên cầu khuẩn nếu cần thiết. Nếu trẻ xét nghiệm âm tính với viêm họng liên cầu khuẩn hoặc nếu bác sĩ không cho rằng trẻ cần ngoáy họng, đó là tin tốt.

Trẻ có thể bị nhiễm virus và sẽ khỏi dần sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng của trẻ không thuyên giảm sau 3-5 ngày hoặc nếu xuất hiện triệu chứng mới như đau tai hoặc sốt tăng, cha mẹ nên đưa con đi khám lại.

Nguồn:

Tin mới