Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguy cơ Nga 'khóa van' khí đốt tới châu Âu: Đòn giáng mạnh vào cả đôi bên

(VTC News) -

Khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy về phía Tây trên 3 đường ống chính bất chấp việc châu Âu bác bỏ tối hậu thư thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.

Tuy nhiên rủi ro gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga đang gia tăng khiến người dân châu Âu hết sức lo ngại.

Theo phía Nga các khoản thanh toán cho khí đốt được giao từ ngày 1/4 sẽ đến hạn vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Đó là lý do tại sao Nga chưa ngay lập tức đóng dòng khí đốt đến châu Âu. Trước đó Nga tuyên bố các hợp đồng chuyển giao khí đốt cho các nước Liên minh châu Âu sẽ bị đình chỉ nếu các nước không thanh toán bằng đồng rúp. Tuy nhiên yêu cầu này vấp phải phản đối của các nước châu Âu.

Một nhà máy khí đốt của Nga. (Ảnh: Shutterstock)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định: "Câu trả lời rất ngắn gọn. Chúng tôi đang xem xét các hợp đồng cung cấp khí đốt. Chúng tôi sẽ thanh toán bằng đồng euro thỉnh thoảng bằng đồng USD nhưng chủ yếu là euro. Tôi đã nói rõ điều này với nhà lãnh đạo Nga. Bất kể quyết định mới của Nga là gì chúng tôi sẽ cân nhắc. Tuy nhiên trong mọi trường hợp, quy tắc là các công ty có thể trả tiền bằng euro nếu họ muốn”.

Ba quốc gia Baltic bao gồm Latvia, Litva và Estonia hôm qua (2/4) cũng thông báo ngừng nhập khầu khí đốt tự nhiên của Nga. Hiện thị trường khí đốt tại Baltic đang được cung cấp từ các kho dự trữ khí đốt ngầm ở Latvia, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu theo chân của họ.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh khó khăn kinh tế do các lệnh cấm vận bao vây, Nga cần nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng hơn bao giờ hết, nên quyết định hạn chế nguồn xuất khẩu sẽ tác động lớn đến nước này. Các quan chức Nga hôm qua cũng cho biết quy định về đồng rúp có thể đảo ngược nếu các bên đạt được các điều kiện khác trong vòng đàm phán.

Còn với châu Âu, mặc dù nguy cơ gián đoạn nguồn cung xuất hiện vào thời điểm sau mùa cao điểm mùa đông nhưng châu Âu vẫn còn nhiều thứ để mất khi các doanh nghiệp và hộ gia đình đã quay cuồng với giá năng lượng kỷ lục. Những tác động cũng đang hiện hữu trong từng góc nhỏ của châu Âu.

Ở phía Đông Nam nước Anh, những nhà kính rộng lớn trống rỗng. Chi phí năng lượng tăng cao khiến nhà vườn không đủ chi phí sử dụng nhiệt để trồng dưa chuột. Những người trồng ớt, cà chua cũng đang gặp hoàn cảnh tương tự khi giá khí đốt, phân bón tăng, khiến việc trồng cây không khả thi về mặt kinh tế. 

Một người nông dân ở Anh Tony Mantalbano chia sẻ: “Thực sự khó khăn. Giá khí đốt tăng cao gây lo ngại. Bạn biết đấy chúng tôi đã làm việc chăm chỉ trong nhiều năm nhưng chỉ trong 1 năm qua, mọi thứ có thể kết thúc ở đây”.

Tại Đức, mặc dù những tháng khắc nghiệt mùa đông đã qua nhưng người dân Đức vẫn đang đổ xô đi tích trữ gỗ và than, đề phòng thiếu hụt năng lượng cho mùa đông sắp tới. Chị Susanne Gasden là một trong những người đã đặt mua gỗ cho mùa đông tới, mặc dù trong nhà có hệ thống sưởi bằng điện.

“Gỗ này cho mùa đông sắp tới. Mùa đông này đã qua nhưng có nhiều yếu tố như cuộc chiến tại Ukraine khiến tôi phải đưa ra các biện pháp đề phòng. Tôi có máy sưởi điện và lò sưởi trong các phòng. Nếu nguồn cung khí đốt bị gián đoạn hoặc thiếu, tôi có thể tự đảm bảo cho mình”.

Khí đốt trong kho chứa ở châu Âu có thể đủ cho mùa xuân và mùa hè mà không cần cắt giảm nhu cầu, nhưng châu Âu sẽ có nguy cơ bước vào mùa đông tới với chỉ khoảng 10% lượng khí trong kho vào cuối tháng 10 nếu không có một số biện pháp tiết kiệm năng lượng. Các nước châu Âu cũng sẽ phải bước vào cuộc cạnh tranh với châu Á để có thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar hoặc Mỹ.

Phạm Thị Hà (VOV1)

Tin mới