Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Châu Âu chấp nhận rủi ro, quyết không thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp

(VTC News) -

Hôm qua là thời hạn chót Nga đặt ra cho các quốc gia “không thân thiện” thanh toán năng lượng bằng đồng rúp nhưng châu Âu đã bác bỏ tối hậu thư của điện Kremlin.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông báo quyết định chưa từng có xả 180 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược để kiềm chế đà tăng kỷ lục của giá dầu. Cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ra cú sốc lớn cho thị trường năng lượng toàn cầu và đẩy châu Âu trước một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử.

Một kỹ sư đang kiểm tra hệ thống phân phối khí đốt ở Beregdaroc, một trong những điểm khí đốt Nga đi qua để tới Liên minh châu Âu (EU) ngày 10/2/2015. (Ảnh: Reuters)

“Tối hậu thư” của Nga đã gây ra làn sóng chấn động khắp châu Âu, bởi nền kinh tế sẽ khó có thể hoạt động lâu dài nếu không có năng lượng của Nga. Moskva đã gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng, vào một thời điểm nào đó, nước này có thể sẽ khóa van dầu nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh: “Nếu các khoản thanh toán này không được hoàn thành, chúng tôi sẽ coi như người mua không đáp ứng cam kết. Không ai bán miễn phí bất cứ thứ gì cho chúng tôi và chúng tôi cũng không đi làm từ thiện. Điều đó có nghĩa là các hợp đồng hiện tại sẽ bị dừng lại”.

Châu Âu mua khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, vận chuyển qua Belarus, Ukraine, Ba Lan hay biển Biển Baltic. Là nước nhập khẩu lớn nhất, chính phủ Đức trong tuần này đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch 3 giai đoạn nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng năng lượng. Bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào về nguồn cung của Nga đều có thể khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái. Giá khí đốt tăng cao đang khiến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hoạt động không có lãi và gây ảnh hưởng tới nhiều hộ gia đình.

Dữ liệu khảo sát công bố hôm qua cho thấy, sản xuất của Đức giảm thấp nhất trong 18 tháng và bức tranh cũng không sáng sủa hơn ở những nước châu Âu khác.

Chuyên gia George Ball, Chủ tịch công ty dịch vụ tài chính Sanders Morris Harri đánh giá: “Các nước châu Âu chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Họ nhập khẩu hàng tỷ mét khối khí đốt từ Nga mỗi năm và sẽ không thể sản xuất được khí đốt hóa lỏng hoặc tìm kiếm các nguồn thay thế chỉ trong thời gian rất ngắn. Vấn đề họ gặp phải hiện nay là phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung cấp từ Nga và về lâu dài gần như chắc chắn sẽ phải tìm kiếm các nguồn thay thế. Xong để xây dựng được năng lượng sản xuất và xuất khẩu, châu Âu có thể sẽ phải mất tới 10 năm và về ngắn hạn, đây là một vấn đề lớn”.

Đức, Pháp và các chính phủ châu Âu khác đã bác bỏ tối hậu thư của điện Kremlin, khẳng định sẽ không để bị Nga gây sức ép nhằm thay đổi các điều khoản hiện có. Theo ông Paolo Gentiloni, quan chức kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu, các hợp đồng hiện tại không bao gồm nghĩa vụ than toán bằng đồng rúp và phải được tôn trọng. Điều đó có nghĩa là cơ chế hoán đổi từ đồng euro sang đồng rúp như đề xuất của Nga sẽ là vô hiệu.

Mặc dù nguy cơ gián đoạn nguồn cung cho châu Âu đang tăng lên, song điện Kremlin hôm qua cũng khẳng định chưa ngay lập tức khóa van dầu đến châu Âu và quyết định chỉ ảnh hưởng đến việc thanh toán từ nửa cuối tháng 4 và tháng 5.

Theo người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Pescov, Moskva có thể bỏ yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp nếu tình hình thay đổi, song trong điều kiện hiện nay, đồng rúp vẫn là lựa chọn thích hợp nhất.

Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy nhanh đà tăng giá dầu đã diễn ra từ vài tháng nay. Việc phương Tây tìm cách cô lập Moskva trên thị trường quốc tế đã làm dấy lên lo ngại rằng Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia sẽ ngừng cung cấp dầu thô cho thị trường quốc tế.

Trong một bước đi chưa từng có, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi giữa tuần này đã thông báo ý định xả 180 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược nhằm kiếm chế đà tăng kỷ lục của giá dầu. Tuy nhiên, “vũ khí” này hiệu quả đến đâu lại tùy thuộc tính chất dồi dào của các kho dự trữ, cũng như khả năng bù đắp nhanh chóng lượng dầu xuất kho của các nước.

Theo tờ Les Echos của Pháp, trong bối cảnh Nga lại chính là một nguồn cung cấp dầu mỏ lớn trên thế giới, việc sử dụng vũ khí dự trữ chiến lược là một phương án không có gì đảm bảo thành công và phần nhiều mang tính tượng trưng.

Thu Hoài (VOV1)

Tin mới