Thời gian gần đây, tại Đà Nẵng, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các thẩm mỹ viện hoạt động “chui”, cung cấp các dịch vụ làm đẹp không đúng giấy phép hành nghề.
Đặc biệt, có những cơ sở xem thường sức khỏe, tính mạng của khách hàng, vì lợi nhuận, sẵn sàng cho nhân viên vệ sinh, người mới tốt nghiệp cấp 3 làm phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhân viên vệ sinh, người tốt nghiệp cấp 3 làm phẫu thuật
Ngày 26/10, ghi nhận của PV VTC News, cơ sở thẩm mỹ ID Korea (số 265-267 Hùng Vương, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã đóng cửa, dừng hoạt động sau khi bị cơ quan công an kiểm tra, phát hiện loạt sai phạm.
Theo lãnh đạo Công an quận Thanh Khê, hiện Đội Cảnh sát Kinh tế-Môi trường tiếp tục điều tra, mời chủ cơ sở đến làm việc để xử lý theo quy định.
Cơ sở ID Korea đóng cửa, dừng hoạt động trong sáng 26/10.
Cụ thể, ngày 24/10, Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an quận Thanh Khê, Đà Nẵng kiểm tra cơ sở thẩm mỹ ID Korea (số 265-267 Hùng Vương, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thì phát hiện bà L.T.H. là nhân viên của cơ sở đang thực hiện dịch vụ nâng ngực cho khách.
Qua kiểm tra, bà H. không cung cấp được bất cứ bằng cấp, chứng chỉ, giấy phép hành nghề gì liên quan đến công việc đang làm.
Theo bà H. khai nhận, bà chỉ tốt nghiệp cấp 3 nhưng khi khách hàng đến liên hệ để thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ thì nhân viên marketing cơ sở giới thiệu bà là “bác sĩ thẩm mỹ”.
Không chỉ thực hiện thẩm mỹ, bà H. còn kiêm luôn khâu khám sức khỏe, lấy máu xét nghiệm cho khách trước khi thực hiện phẫu thuật.
Tuy nhiên, sau khi lấy mẫu máu, tất cả sẽ bỏ vào thùng rác chứ không xét nghiệm vì đó chỉ là chiêu trò để tăng thêm sự tin tưởng của khách hàng.
Theo giấy tờ thì ID Korea là cơ sở hoạt động ngành nghề kinh doanh dịch vụ phun thêu xăm thẩm mỹ (do UBND quận Thanh Khê cấp) nhưng thực tế lại hoạt động kinh doanh dịch vụ Spa, thẩm mỹ và thực hiện các thủ thuật gồm nâng ngực, nâng mũi, dùng máy can thiệp, tiêm Filler, botox và các dược chất khác…
Trước đó, ngày 12/8, Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an quận Thanh Khê kiểm tra cơ sở Thẩm mỹ Kangzin (Viện Thẩm mỹ 175 Sài Gòn), địa chỉ tại 368 Hùng Vương, quận Thanh Khê (đối diện cơ sở ID Korea) thì phát hiện nhiều vi phạm.
Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở Thẩm mỹ Kangzin không xuất trình được các loại giấy tờ pháp lý đảm bảo đủ điều kiện hoạt động của cơ sở, không xuất trình được giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 206 sản phẩm là vật tư y tế, dung dịch chất làm đầy (filler, botox), sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu…
Đáng chú ý, qua kiểm tra, công an phát hiện nhân viên cơ sở này là T.T.T. đang thực hiện phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho khách hàng.
Làm việc với công an, bà T. không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề và cho biết bà chỉ là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở.
Cơ quan công an kiểm tra thang thiết bị tại cơ sở ID Korea.
Khó kiểm soát!
Trước thực trạng các cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui”, bố trí nhân viên không đủ điều kiện thực hiện các dịch vụ như nâng ngực, căng da mặt… cho khách, bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng thừa nhận cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở này.
“Chúng tôi ý thức những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn đối với sức khỏe của người dân khi những dịch vụ thẩm mỹ không được kiểm soát chặt chẽ. Thời gian qua, Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở cấp phép kinh doanh có nội dung về hoạt động thẩm mỹ cũng như các cơ sở y tế thực hiện danh mục kỹ thuật có phạm vi về thẩm mỹ”, bà Thủy cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng, thực tế các cơ sở thẩm mỹ có 2 hình thức hoạt động chính.
Thứ nhất là những cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh thực hiện danh mục kỹ thuật có phạm vi tạo hình (dịch vụ thẩm mỹ). Đây là những cơ sở đòi hỏi phải có cán bộ y tế thực hiện, sở y tế và cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động và trên địa bàn chỉ có khoảng 30 cơ sở.
Loại hình thứ hai chiếm số lượng lớn và khó kiểm soát là loại hình dịch vụ thẩm mỹ không thuộc các cơ sở khám chữa bệnh.
“Đà Nẵng hiện có 92 cơ sở thực hiện cấp phép và công bố hồ sơ đủ điều kiện. Sở y tế đã công khai, cập nhật danh sách hằng tháng cũng như gửi toàn bộ thông tin về cho các trung tâm y tế quận, huyện để phối hợp quản lý”, bà Thủy cho biết.
Cạnh đó, bà Thủy còn chỉ ra một loại hình nữa là có một số cơ sở được lồng ghép trong các dịch vụ masage, spa và số lượng này cũng rất nhiều, khó quản lý.
Nhân viên lao công phẫu thuật căng da mặt cho khách tại Thẩm mỹ Kangzin.
Lý giải về loại hình dịch vụ thẩm mỹ khó quản lý, bác sỹ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, theo nguyên tắc thì sau khi đăng ký kinh doanh, các cơ sở này phải hoàn thiện hồ sơ công bố đủ điều kiện hoạt động gửi cho sở y tế.
Khi nhận hồ sơ, Sở sẽ tổ chức thẩm định, nếu đảm bảo đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về nhân lực, thiết bị vật tư theo quy định pháp luật thì sẽ công bố công khai và cơ sở mới được phép hoạt động.
Những trường hợp đăng ký kinh doanh ở quận, sau đó tự tổ chức hoạt động mà không công bố hồ sơ đủ điều kiện để thẩm định là hoạt động “chui”.
Với riêng địa bàn Thanh Khê (vừa phát hiện 2 cơ sở vi phạm), theo lãnh đạo UBND quận, hiện có hơn 100 cơ sở thẩm mỹ hoạt động nên việc kiểm tra cũng khá khó khăn. "Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo quận là kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm", lãnh đạo quận cho biết.
Gặp khó trong phát hiện, xử lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động chui, sai giấy phép và không công bố hồ sơ đủ điều kiện hoạt động, bà Thủy cho rằng cần có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng như công an, chính quyền quận, huyện và cả báo chí.
“Thời gian qua, tại Đà Nẵng phát hiện nhiều vụ việc vi phạm. Những cơ sở hoạt động sai phạm này nếu không phát hiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Vì vậy, người dân cũng cần tìm hiểu trước khi lựa chọn cơ sở để làm đẹp, phải tự bảo vệ mình”, bà Thủy nhấn mạnh.