Rầm rộ mở rộng
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, thời trang xa xỉ tại Hà Nội hoạt động khá tốt, thậm chí các thương hiệu quốc tế còn đẩy mạnh mở rộng các cửa hàng kinh doanh. Nếu cách đây 5 năm, những thương hiệu thời trang xa xỉ khó thâm nhập vào thị trường Hà Nội, thì nay thủ đô lại trở thành điểm đến hấp dẫn.
Từ một cửa hàng nhỏ trong trung tâm thương mại, Louis Vuitton đã chuyển ra địa điểm kinh doanh mới rộng 1.000 m2. Christian Dior cũng có cửa hàng mua sắm mới rộng hơn 500 m2. Louis Vuitton và Dior là hai thương hiệu của LVMH, tập đoàn lớn nhất của làng thời trang và xa xỉ phẩm toàn cầu.
Mới đây, hãng giày Berluti thuộc sở hữu của LVMH mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Thành lập năm 1895 tại Paris (Pháp), Berluti là nhà mốt biểu tượng của nghệ thuật Patina, đại diện cho kỹ năng chế tác đồ da với các sản phẩm phụ kiện, thời trang dành riêng cho phái mạnh.
Nhiều thương hiệu hàng xa xỉ vào Việt Nam. (Ảnh: Anh Nguyễn)
Tương tự, thương hiệu Marc Jacobs từ New York (Mỹ) chính thức khai trương cửa hàng tại thủ đô Hà Nội. Đây là cửa hàng được làm theo thiết kế mới nhất của Marc Jacobs với những dấu ấn thể hiện trọn vẹn tinh thần của nhà mốt từ New York.
Tại phố Lý Thái Tổ, thương hiệu đồng hồ xa xỉ Breitling đã khai trương cửa hàng. Đây cũng là boutique Breitling đầu tiên của khu vực Đông Nam Á có concept Duplex. Breitling được biết đến với những bộ sưu tập đồng hồ nổi tiếng như Navitimer, Chronomat, SuperOcean hay Endurance.
Trước đó, Tiffany & Co. khai trương cửa hàng tại Tràng Tiền Plaza. Là một trong những thương hiệu có vị thế và tầm ảnh hưởng trong thế giới kim hoàn xa xỉ, nhiều thập kỷ qua, Tiffany & Co. không ngừng mở rộng chi nhánh ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Hiện, thời trang xa xỉ tại Hà Nội đã có mặt các tên tuổi lớn như Louis Vuitton và Christian Dior, Prada, Hermes, Gucci, Patek Philippe, Hublot, Christian Louboutin, Mont Blanc, Cartier, Hugo Boss, Bottega, Kenzo, Valentino,...
Công ty có thâm nhiên đưa hàng xa xỉ về Việt Nam là IPP Group, chiếm gần 70% thị phần hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước. Kế đó là Tam Sơn, doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối hàng hiệu tại Việt Nam. Theo Statista, hàng xa xỉ tại Việt Nam năm 2020 đạt gần 1 tỷ USD và ước tăng trưởng kép hằng năm hơn 9% trong vòng 5 năm tới.
Tiềm năng về thời trang xa xỉ tại thị trường Việt Nam rất lớn. (Ảnh: Anh Nguyễn)
Tiềm năng
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận định sự hiện diện gần đây nhất của Tập đoàn LVMH với hai cửa hàng Louis Vuitton và Christian Dior tại khu vực Tràng Tiền là một dấu hiệu đáng mừng về niềm tin dành cho thị trường Việt Nam khi ở các thành phố khác hoặc ở quốc gia khác, các nhãn hàng không nhận thấy cơ hội trong việc mở cửa hàng mới hoặc đánh giá hoạt động kinh doanh có thể quá rủi ro.
Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động tốt nhất khu vực. Vì vậy, nhiều thương hiệu xa xỉ muốn mở rộng, gia nhập vào Việt Nam. Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam tương đối thấp so với các thị trường khác trong khu vực châu Á như Singapore, Hồng Kông hoặc Tokyo.
Do các lệnh hạn chế du lịch, khách hàng chủ yếu mua sắm các đồ dùng xa xỉ trong nước, thay vì đi sang các thị trường khác như Hong Kong, London, Paris hoặc Singapore. Thêm vào đó, việc thu nhập bình quân của Việt Nam những năm vừa qua đã tăng rõ rệt, đi kèm với sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu, đã mở rộng thêm thị trường mục tiêu của các hãng.
Lý giải về việc đồng loạt khai trương nhiều cửa hàng, giám đốc Savills phân tích, khách hàng trong ngành xa xỉ có quá trình quyết định mua sắm khác biệt, coi trọng tương tác trực tiếp giữa khách hàng và thương hiệu. Họ muốn đến cửa hàng, trao đổi cùng nhân viên tại đó và trực tiếp trải nghiệm sản phẩm cũng như những dịch vụ mà thương hiệu cung cấp. Đáng chú ý, các nhãn hàng xa xỉ thường lựa chọn mặt bằng kinh doanh là các vị trí đắc địa và trung tâm tại các đô thị lớn.
Biểu đồ tăng giá của một mẫu hàng xa xỉ. (Ảnh:CNBC)
Đánh giá về tiềm năng, chị Nguyễn Thu Trang, phụ trách marketing của một thương hiệu cho hay, người Hà Nội tiết kiệm nhưng lại rất chịu chi với các món đồ cao cấp. Họ bị hấp dẫn bởi các món thời trang xa xỉ, đắt tiền để thể hiện đẳng cấp của mình. Nhiều quý bà sẵn sàng chi cả trăm triệu để có thể sở hữu chiếc túi số lượng hạn chế trên toàn cầu.
“Người ta vẫn nói là người Hà Nội giàu ngầm, nếu biết cách chiều lòng giới siêu giàu thì họ chi không tiếc tiền”, chị Trang nói. Để phục vụ khách, chị thường xuyên tổ chức các buổi tiệc nhỏ ở các khách sạn 5 sao, quy tụ toàn khách VIP để giới thiệu sản phẩm mới ra mắt. Bên cạnh đó, chị Trang cho rằng, mua túi hàng hiệu cũng là một cách đầu tư sinh lời.
Theo quan sát của ông Matthew Powell, trong bối cảnh dịch bệnh, bán lẻ cao cấp tại Việt Nam vẫn phát triển tốt, nhiều thương hiệu xa xỉ vẫn muốn mở rộng và gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức cho thương hiệu đi sau hoặc muốn mở rộng địa điểm là không nhiều những vị trí đắc địa tại Hà Nội.
Các thương hiệu xa xỉ cũng cần đầu tư mạnh mẽ cho giải pháp tiếp thị mới, ứng dụng công nghệ tại các cửa hàng nhằm tiếp cận khách hàng tốt hơn, tăng trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ khách hàng đưa ra quyết định mua sắm.