Một trong những thông tin hài hước nhất trong ngày hôm qua, liên quan đến một triệu phú. Tất nhiên là triệu phú đô-la. Chuyện rằng, ông Robert Kiyosaki- tác giả cuốn sách bí quyết làm giàu lừng danh, thuộc hàng bestseller là Rich Dad, Poor Dad, tựa ở Việt Nam là Cha giàu- Cha nghèo hoặc Dạy con làm giàu - đã vừa phải nộp đơn xin…phá sản.
Ông này, năm 2006 cùng tỷ phú Donald Trump viết chung một cuốn sáng mang tên “Why We Want You to be Rich”, dịch nôm na là “Tại sao chúng tôi muốn bạn trở nên giàu có”. Ấy vậy mà vẫn có thể trắng tay.
Cuộc sống vốn có những nghịch lý kiểu người viết sách dạy làm giàu thì phá sản, người tư vấn chứng khoán lại không dám chơi cổ phiếu, người nuôi gà nhưng chỉ dám ăn vịt, phóng viên thể thao chuyên viết dự đoán và đưa ra tỷ lệ bóng đá lại thường xuyên thua độ…
Chính vì thế khi nghe chuyện các ông bầu và VFF có ý nâng độ tuổi được phép chuyển nhượng các cầu thủ đá V.League từ 23 lên 25 tuổi thì không ít người cứ tủm tỉm cười: “Có ai khoanh vùng tuổi về hưu của các bác ở VFF đâu mà bây giờ khoanh vùng tuổi các cháu thế?”.
Đúng thật, VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, không tính tuổi hưu nên nhiều quan chức ở đây cứ thoải mái…thượng thọ. Thậm chí, không ít bậc cao niên làng thể thao coi VFF là nơi vui vầy, dưỡng lão, biến chỗ này thành…tổ hưu.
Tất nhiên, không quy định thì cứ làm mà nếu có vượt quá tuổi hưu nhưng hoàn thành nhiệm vụ, được người hâm mộ yên tâm tin tưởng trao gửi niền tin thì vẫn đáng hoan nghênh.
Giờ là có khả năng đồng tình với các ông bầu về việc nâng độ tuổi chuyển nhượng lên 25, coi đó như biện pháp “bình ổn giá” chuyển nhượng cầu thủ nội.
Song, việc mấy ông bầu đề xuất rồi đưa tay biểu quyết về tuổi chuyển nhượng ngay tại Đại hội thường niên VFF đã “được” bình luận là “Quyết đại cái của thằng khác”.
Điều này gợi nhớ đến câu chuyện VFF bán bản quyền V.League với thời hạn 20 năm mà không cần thông qua các CLB cũng đã được ví như “Bán vịt trời”.
Vấn đề là một quyết sách, ảnh hưởng tới rất nhiều cầu thủ, lẽ ra phải có tiếng nói hoặc đại diện của giới cầu thủ, nói ngắn gọn là rất cần một Nghiệp đoàn cầu thủ để bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho những cầu thủ. Hoặc đại diện cho giới cầu thủ ở những diễn đàn lớn như Đại hội VFF.
Có người lại nói, đấy là bởi những người ra quyết sách cho bóng đá không phải là “dân bóng đá”, không phải là cầu thủ bóng đá.
Nghe thì nghịch lý nhưng cũng là những nghịch lý rất…đời thường.
Song An (Thể thao 24h)