Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người đàn ông Hà Nội đau đầu dữ dội, suy giảm nhận thức sau bữa tiết canh

Người đàn ông U50 ăn tiết canh, lòng lợn tại một quán ăn ở quận Hà Đông (Hà Nội), 2 ngày sau, ông sốt cao, đau đầu nhiều, giảm nhận thức.

Cuối tháng 8, nam công nhân 48 tuổi quê xã Cao Viên, huyện Thanh Oai đi ăn tiết canh lòng lợn ở một quán ăn tại phố Đồng Hoàng, Đồng Mai, quận Hà Đông. Hai ngày sau ông sốt cao, đi khám, điều trị tại trạm y tế nhưng không đỡ.

Thấy bệnh nhân đau đầu nhiều, giảm nhận thức, cơ sở y tế này chuyển ngay bệnh nhân lên Bệnh viện Quân y 103 một ngày sau đó. 

Kết quả xét nghiệm dịch não tủy, nuôi cấy phát hiện bệnh nhân dương tính Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn).  Hiện tại bệnh nhân đã điều trị ổn định.

Đây là ca bệnh liên cầu khuẩn lợn thứ 2 được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ghi nhận trong năm 2022, tăng một ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều trị một bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Võ Thu)

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ mới đây cũng thông tin tiếp nhận một số ca nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu lợn. Điển hình như nam bệnh nhân 44 tuổi vào viện do sốt cao và nổi ban toàn thân.  

Cụ thể, sau 7 ngày tham gia mổ lợn, người bệnh có biểu hiện lạ, đưa đi cấp cứu trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, sốt cao 40 độ C, thở nhanh, mạch nhanh, kèm theo nổi ban khắp người.

Được điều trị kháng sinh, lọc máu, chăm sóc vùng da bị tổn thương kết hợp với dinh dưỡng, sau 4 ngày điều trị, người bệnh hết sốt, các ban hoại tử không còn lan rộng.

Một trường hợp khác 67 tuổi, vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng sốt cao, rét run, rối loạn ý thức. Kết quả chụp chiếu, xét nghiệm cận lâm sàng, chọc dịch tủy não cho thấy người bệnh bị viêm màng não do liên cầu lợn.

Lợn nhà nuôi, lợn "cắp nách" chưa hẳn sạch

Bộ Y tế cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Bệnh diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%.

Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, đường tiêu hoá và cơ quan sinh dục của lợn. Khuẩn này có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.  

Bệnh lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da…

Theo thống kê, đặc biệt từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đa số bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Nhiều bệnh nhân cho biết "chỉ mổ lợn thôi cũng nhiễm bệnh".

Các chuyên gia cảnh báo một quan niệm của người dân cho rằng lợn do gia đình nuôi, lợn “cắp nách”, thả rông là lợn “sạch”, do đó có thể ăn tiết canh hoặc các sản phẩm chưa nấu chín kỹ, đây là quan điểm sai lầm.

Theo các bác sĩ, bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. 

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Vì thế, để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.

Đặc biệt, thầy thuốc khuyên không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, nên có phương tiện phòng hộ.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới