Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người đàn ông chảy máu ồ ạt, cảnh báo nguy hiểm khi chủ quan với sốt xuất huyết

Các bác sĩ cho biết nhiều người quan niệm hết sốt là khỏi bệnh nhưng sự thực, sau giai đoạn sốt cao lại chính là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh.

Th.BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, số ca nhập viện tại bệnh viện này tăng gấp 2 lần so với năm trước. 

Chu kỳ sốt xuất huyết thường 5 năm sẽ bùng phát mạnh mẽ (năm 2017 dịch bùng phát, sau 5 năm là năm 2022). Vì vậy mùa dịch năm nay cũng là chu kỳ sốt xuất huyết quay lại đỉnh dịch.

BS Nguyễn Thị Thanh - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, cũng cho biết, hiện số bệnh nhân nhập viện điều trị do sốt xuất huyến đang chiếm chủ yếu so với tổng số bệnh nhân trong khoa. Trong đó, có trường hợp rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Anh L. đang được điều trị tại Bệnh viện E.

Bệnh nhân Hoàng A L. (gần 40 tuổi, quê Hà Giang), đang sinh sống tại Hà Nội. Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân bị sốt, đã uống thuốc. Tuy nhiên khi cắt được sốt, đầu đau dữ dội không thể nào chịu được nên bệnh nhân phải vào viện thăm khám.

Tại bệnh viện, nam thanh niên được xét nghiệm, kết quả dương tính với sốt xuất huyết. Sau khi vào viện dù hết sốt nhưng buổi tối bất ngờ anh L. bị chảy máu ồ ạt ở mũi, không thể cầm máu bằng phương pháp thông thường. Các bác sĩ nhanh chóng phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng.

Bác sĩ Thanh cho biết, sau khi có triệu chứng 3-4 ngày bệnh nhân vào viện khi đó dù sốt giảm nhưng tiểu cầu tụt xuống còn 13. Bệnh nhân được truyền 1 đơn vị tiểu cầu nhưng số tiểu cầu trong máu không tăng lên mà tiếp tục giảm.

“Bệnh nhân bất ngờ bị chảy máu mũi ồ ạt, không thể cầm máu được. Chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng, tiến hành nhét meche mũi cho bệnh nhân để cầm máu. Sau đó, tiểu cầu vẫn tiếp tục giảm. Trong 2 ngày phải truyền thêm 6 đơn vị tiểu cầu, bệnh nhân mới ổn định về chỉ số máu”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

Hiện bệnh nhân vẫn chảy máu nhưng số lượng giảm hơn và có thể rút meche trong một hai ngày tới, không có gì thay đổi bệnh nhân có thể xuất viện vào đầu tuần tới.

Ths.BS Vũ Mạnh Cường cho biết, đây là trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng nhất từ đầu mùa dịch (năm 2022) đến nay. Rất may khi chảy máu ồ ạt, bệnh nhân đã có mặt ở viện nên việc xử lý được đảm bảo, nếu không nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tính mạng hoàn toàn có thể xảy ra.

Các bác sĩ thông tin thêm, nhiều người dân quan niệm hết sốt là khỏi bệnh. Sự thực là sau giai đoạn sốt cao lại chính là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh.

Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam…

Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và năm nay là chu kỳ dịch bệnh sốt xuất huyết; số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội cũng đang có xu hướng gia tăng.

Đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận hơn 3.900 ca sốt xuất huyết; tăng 1,8 lần so với trung bình 5 năm gần đây.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cảnh báo, tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão có thể kéo dài trong tháng 10, 11, 12, lượng mưa lớn, do đó, bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo. Thậm chí dịch bệnh có thể không chỉ đạt đỉnh dịch vào tháng 10 như mọi năm, mà có thể vào giữa tháng 10 - tháng 11. 

Theo ông Khổng Minh Tuấn, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành. Nếu người dân loại trừ được bọ gậy, dụng cụ chứa nước, không có bọ gậy, không có muỗi sẽ không có sốt xuất huyết.

Đặc biệt, trong các gia đình, dụng cụ dùng chứa nước cần che đậy, không để nước ứ đọng; thường xuyên thả cá vào bồn nước và các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng, bọ gậy; phế thải ngoài vườn, nơi công cộng như lốp xe, vỏ hộp nhựa, túi bóng... cần thu gom xử lý triệt để.

Môi trường xung quanh nơi ở, chỉ cần các hộp nhựa, xốp đựng thức ăn, các chai lọ, lốp xe... nếu không được thu gom, xử lý cũng dễ là nơi nước mưa ứ đọng, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng, xuất hiện bọ gậy, sẽ có nguy cơ xảy ra sốt xuất huyết…

Cùng với đó, người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Khi mắc bệnh, có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết, người dân cần thông báo ngay cho y tế cơ sở để cán bộ y tế nắm bắt được thông tin và có những tư vấn, hướng dẫn phòng và điều trị kịp thời.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới