Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người dân ít gửi tiền ngân hàng

Tăng trưởng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,34% và đây là năm thứ 5 liên tiếp mức tăng trưởng này có xu hướng thấp dần.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4, tổng phương tiện thanh toán toàn thị trường (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) đã đạt trên 12,465 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020.

Trong đó, mức tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giai đoạn này là 2,05%, đạt 4,977 triệu tỷ đồng, và tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 2,34%, đạt 5,262 triệu tỷ đến cuối tháng 4.

Như vậy, trong 4 tháng đầu năm, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong hệ thống ngân hàng tăng gần 100.000 tỷ đồng, trong khi số dư tiền gửi của người dân tăng thêm 120.425 tỷ.

Tăng trưởng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh trong 5 năm trở lại đây. (Ảnh: Zing)

Tiền gửi ngân hàng tăng chậm

Nếu xét theo số tuyệt đối, người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn so với những năm trước, tuy nhiên, tốc độ tăng đã ghi nhận xu hướng chậm lại rõ rệt.

Cụ thể, mức tăng trưởng tiền gửi của người dân những tháng đầu năm nay đã thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2020 (đạt 3,37%) và chưa bằng 1/2 so với 4 tháng đầu năm 2019. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng tiền gửi của người dân 4 tháng đầu năm ghi nhận xu hướng chậm lại. Điều này cho thấy người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng nhưng không nhiều như trước.

Cụ thể, giai đoạn 2010-2014, tăng trưởng tiền gửi của dân cư tại hệ thống các tổ chức tín dụng những tháng đầu năm đều đạt trên dưới 10%. Trong đó, mức tăng 4 tháng đầu năm 2013 lên tới 13,55%.

Tuy nhiên, tốc độ này đã chậm lại rõ rệt kể từ năm 2016, và giảm mạnh từ năm 2020 đến nay.

Nếu tính trong cả năm, tăng trưởng tiền gửi của dân cư năm 2016 là 17,4%, nhưng đến năm gần nhất (2020) đã giảm chỉ còn 6,46%.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tiền gửi của dân cư trong hệ thống ngân hàng ghi nhận mức thấp hơn nhiều so với những năm trước có một phần nguyên nhân đến từ việc lãi suất huy động thấp.

Thống từ năm 2020 đến nay (thời điểm dịch COVID-19 bùng phát), mặt bằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại đã giảm 1-2 điểm %/năm ở hầu hết kỳ hạn.

Theo đó, lãi suất bình quân tiền gửi bằng VND với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã giảm từ 4,3-5%/năm xuống mức 3,1-3,8%/năm; tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 5,3-7%/năm xuống 4-5,9%/năm. Trong khi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện phổ biến có mức lãi suất ở 5,6-6,7%/năm, trong khi đầu năm 2020 là 6,6-7,5%/năm.

Tiền đi đâu?

Trái ngược với xu hướng tăng trưởng thấp của tiền gửi ngân hàng từ người dân, dòng tiền và số nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2020 đến nay lại tăng đột biến.

Tính riêng năm 2020, đã có khoảng 396.515 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới tại thị trường Việt Nam. Trong đó, số tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tới 99%. Số này đã tăng gấp đôi so với lượng tài khoản mở mới trung bình những năm trước.

Đáng chú ý, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới đã đạt 482.760 tài khoản, cao hơn nhiều so với cả năm liền trước. Hiện toàn thị trường có khoảng 3,25 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán và 98,5% số này là của nhà đầu tư cá nhân, tương đương 3,26% dân số.

Cùng với đó, dòng tiền vào thị trường này cũng tăng mạnh từ giữa năm 2020 đến nay.

Tính riêng trên sàn HoSE, thanh khoản bình quân phiên đã tăng vọt từ mức 3.600-3.800 tỷ đồng/phiên đầu năm 2020 lên 10.000-12.000 tỷ/phiên vào cuối năm, tương đương tăng gấp 3-4 lần.

Từ đầu năm 2021, thanh khoản thị trường tiếp tục ghi nhận tăng nhanh và đạt mức bình quân 22.425 tỷ/phiên trong tháng 5, cao hơn 21% so với tháng liền trước và gấp 4 lần cùng kỳ.

Từ đầu tháng 6 đến nay, mức thanh khoản bình quân trên HoSE đã lên tới gần 27.000 tỷ đồng/phiên.

Theo SSI Research, việc tăng trưởng tiền gửi thấp ở các ngân hàng giai đoạn đầu năm nay có một phần nguyên nhân đến từ sự dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác.

Ngoài chứng khoán tăng gần 23% từ đầu năm, báo cáo của VNDirect cho biết giá nhà đất đã tăng trên diện rộng từ đầu năm.

Giá đất ở một số khu vực ngoại thành Hà Nội đã tăng đột biến. Trong đó, giá đất khu vực Đông Anh tăng 75,5% so với cùng kỳ; khu vực huyện Thanh Trì tăng 25,6%.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại một số huyện ngoại thành TP.HCM, như Củ Chi và Hóc Môn tăng lần lượt 27,7% và 21,1%.

Trong khi đó, thị trường tiền mã hóa mới trải qua cơn sốt, khi Bitcoin có thời điểm đạt xấp xỉ 65.000 USD/BTC, nhưng hiện đã giảm về vùng 36.000 USD/BTC.

Ngoài sự dịch chuyển của dòng tiền, các chuyên gia tại SSI Research cũng cho rằng việc tăng trưởng tiền gửi của cư dân thấp có thể do các ngân hàng chủ động giảm để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay, đảm bảo mức sinh lời.

Các phân tích cũng chỉ ra phải chờ tới cuối năm 2021 lãi suất tiền gửi mới có thể tăng trở lại, khi mà một lượng lớn tiền đồng sắp được NHNN bơm vào hệ thống tổ chức tín dụng qua việc mua 7 tỷ USD kỳ hạn hồi đầu năm. Điều này sẽ khiến thanh khoản các ngân hàng tiếp tục dồi dào và áp lực huy động tiền gửi chưa tăng trong quý II và đầu quý III.

Nguồn: Zing News

Tin mới