Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 - Bộ Quốc phòng (trụ sở tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) đang hoàn thiện sản xuất, cung cấp đưa ra thị trường 6 loại sản phẩm pháo hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu bao gồm: sản phẩm ống phun nước bạc, nến cầm tay, sản phẩm cánh hoa xoay, cây hoa lửa, vòng xoay hoa lửa, sản phẩm thác nước bạc.
Đặc điểm chung của các loại pháo hoa dân dụng là không gây tiếng nổ, chỉ gây các hiệu ứng về ánh sáng, có thể có âm thanh nhưng không phải âm thanh nổ.
6 loại sản phẩm này thường được sử dụng trong các dịp: lễ, Tết, sinh nhật, giáng sinh, cưới hỏi, hội nghị, khai trương và các hoạt động văn hoá nghệ thuật.
Cửa hàng giới thiệu và bán pháo hoa trước cổng Nhà máy Z121 vừa đi vào hoạt động.
Theo đại diện Nhà máy Z121, thời gian qua, loại pháo hoa không tiếng nổ là sản phẩm nhận được sự quan tâm của nhiều người dân, vì từ 11/1/2021, người dân đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 137/2020 của Chính phủ sẽ được phép sử dụng.
Để kịp thời cung ứng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dân trong dịp Tết, Nhà máy Z121 chính thức giới thiệu và mở bán các sản phẩm pháo hoa mà người dân được phép sử dụng tại cửa hàng trước cổng nhà máy; đồng thời triển khai thủ tục mở các cửa hàng giới thiệu và bán pháo hoa tại 29 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Người dân có nhu cầu và đủ điều kiện (công dân đủ 18 tuổi) sẽ được phép mua pháo hoa trực tiếp tại cửa hàng bán sản phẩm của Nhà máy Z121. Khi mua hàng, người dân phải xuất trình chứng minh thư nhân dân, điền thông tin của người mua, các sản phẩm chọn mua để lưu trữ thông tin.
Một số loại pháo hoa người dân được phép sử dụng do Nhà máy Z121 sản xuất.
Theo hướng dẫn của Bộ Công an, pháo hoa mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng là loại pháo được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ (điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137 quy định).
Đối với loại pháo này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp: lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại Điều 14 Nghị định 137.
Các hành vi vi phạm về pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Mức tiền phạt thấp nhất là 500.000 đồng, mức tối đa là 40.000.000 đồng, cụ thể:
- Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
- Sử dụng các loại pháo mà không được phép bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
- Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
- Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Bên cạnh bị phạt tiền, toàn bộ số pháo là tang vật sẽ bị tịch thu theo quy định.
Đặc biệt, nếu đốt pháo nổ, pháo hoa nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do hành vi đốt pháo gây ra.
Các hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo có thể sẽ bị xử lý hình sự theo các tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015...