Chụp ảnh, quay phim khi bị tàu lạ uy hiếp, quấy rối
"Ngư dân cần làm gì khi tàu lạ quấy rối trên biển?" là câu hỏi của ngư dân Nguyễn Văn Lễ, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) đặt ra tại diễn đàn “Đáp lời ngư dân” do báo Pháp luật TP.HCM cùng UBND tỉnh Phú Yên tổ chức vào sáng 29/8 tại TP Tuy Hòa.
Ngư dân Nguyễn Văn Lễ đặt câu hỏi cho lãnh đạo tỉnh.
Trả lời câu hỏi trên, ông Trương Thiên An - Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết trong trường hợp này, phải xác định hiện nay các phương tiện được phép khai thác đánh bắt xa bờ có tổng chiều dài từ 15m trở lên theo quy định Luật Thuỷ sản Việt Nam năm 2017 và Nghị định 26/2019.
Như vậy, tất cả các phương tiện đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó có chức năng cảnh báo khi vượt ra khỏi giới hạn cho phép, tức là tàu cá khi đánh bắt xa bờ thì phải tuân thủ quy định của luật pháp Việt Nam và quốc tế.
Ông Trương Thiên An lưu ý khi đánh bắt trên biển, các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán Việt Nam thì bà con ngư dân cần khẳng định là đánh bắt hợp pháp.
Ông Trương Thiên An, Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên trả lời câu hỏi của ngư dân.
Khi bị tàu lạ, tàu nước ngoài uy hiếp, quấy nhiễu thì bà con ngư dân cần hết sức bình tĩnh để nắm tình hình; ghi lại số hiệu, kí hiệu của tàu, đặc điểm nhận dạng và xác định rõ xem đây là tàu dân sự hay quân sự.
Sau đó, dùng phương tiện mang theo quay phim, chụp ảnh để xác định là ngư dân đánh bắt trên vùng biển của nước mình. Đồng thời, ngư dân phải truy cập ngay vị trí mà tàu cá đang hoạt động trên các thiết bị giám sát, sau đó gửi về cho lực lượng chức năng để họ biết tàu ngư dân đang bị quấy nhiễu.
Ngoài việc nắm thông tin tàu cá, ông An còn hướng dẫn bà con cần nhanh chóng phát tín hiệu cho các tàu cá đi trong tổ, đội, cùng đánh bắt trên vùng biển để các tàu cá tập trung lại hỗ trợ.
“Trong trường hợp này, bà con không được ký bất cứ văn bản nào cho dù ép buộc. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ bằng chứng, hình ảnh mà bà con gửi về sẽ đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho ngư dân” - ông Trương Thiên An chia sẻ.
Trường hợp ngư dân đang đánh bắt trên vùng chồng lấn mà bị quấy rối thì phải báo ngay cho lực lượng chức năng biết, không đi quá sâu vào bên trong vùng chồng lấn.
Ông An cũng thông tin, hiện nay đang có các đàm phán để giải quyết vùng chồng lấn giữa các nước trên biển Đông, vì vậy ngư dân khi phát hiện có tàu nước ngoài uy hiếp, truy đuổi thì nhanh chóng phát tín hiệu, thông báo cho cơ quan chức năng, lực lượng chức năng hỗ trợ, bảo vệ, các tàu cá cùng đánh bắt gần đó cùng đoàn kết lại để bảo vệ tàu cá…
Chung tay gỡ "thẻ vàng"
Cũng tại diễn đàn, nhiều ngư dân tỉnh Phú Yên kiến nghị những vấn đề liên quan đến tình hình quản lý tàu cá đánh bắt thủy sản; giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để chung tay gỡ “thẻ vàng” Châu Âu với ngành hải sản Việt Nam; các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển; các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy ngành kinh tế cá ngừ đại dương phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tri Phương - Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên rất mong ngư dân chia sẻ với khó khăn chung của cả nước.
"Trong thời gian tới, phía cơ quan chức năng sẽ cố gắng sớm chi trả những chính sách hỗ trợ cho ngư dân. 8 tháng đầu năm 2023, tỉnh hình khai thác thủy hải sản khó khăn, có chuyến lời, chuyến lỗ. Tuy nhiên, rất mong ngư dân chia sẻ những khó khăn chung như suy thoái kinh tế, thu ngân sách khó khăn,...", ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản trên địa bàn. Nhờ đó tàu cá và sản lượng thủy sản khai thác vùng khơi không ngừng tăng lên.
Năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cá ngừ đại dương là sản phẩm đánh bắt chủ lực của ngư dân trong tỉnh, sản lượng khai thác đạt từ 3.000-5.000 tấn/năm, phần lớn xuất khẩu.
Ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản trên địa bàn.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tại Phú Yên cũng triển khai có hiệu quả việc hướng dẫn ngư dân chủ động phòng tránh khi có thiên tai, bão lũ xảy ra; kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ngư dân và tàu cá trên biển; thăm hỏi động viên những trường hợp gặp rủi ro; triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành với ngư dân vươn khơi bám biển.