Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ngóng nước ở nơi đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp xâm nhập mặn

(VTC News) -

Nhiều hộ dân huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang lâm vào cảnh có tiền cũng chẳng mua được nước.

Những ngày giữa tháng 4/2024, chúng tôi tìm về xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang - nơi đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt trong năm 2024.

Huyện Tân Phú Đông nằm trên cù lao giữa dòng sông Tiền, tiếp giáp Biển Đông. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 xuất hiện sớm, vào sâu hơn 60 km về phía thượng lưu sông Tiền khiến hầu hết địa bàn huyện bị bốn bề nước mặn bao vây.

 

Giữa trưa nắng như thiêu đốt, chúng tôi theo chân ông Phan Xuân Thu - Phó Chủ tịch xã Phú Tân, đến ấp Còn Cồng - nơi cách xa đầu nguồn kênh cấp nước ngọt của địa phương. 

Ấp Còn Cồng lớn nhất xã nhưng chỉ có vọn vẻn 55 hộ dân. Họ sống khá biệt lập ở khu nuôi tôm nên các ghe chở nước không tiện đường đi. Cứ chục ngày, dân trong xóm phải đi rảo các kênh lớn, gặp ghe chở nước thì kéo về xóm để mỗi nhà đổi lấy vài ba khối.

Nước sạch ở đây giờ quý lắm", ông Thu nói rồi men theo con đường đất mòn vào nhà ông Hai Cẩn - căn nhà nằm cuối cùng của ấp.

Nhà ông Hai Cẩn lọt thỏm giữa bờ bao ngăn nước còn cao hơn cả móng nhà. Từ bờ bao, ông Hai Cẩn bắc hai tấm ván gỗ để đi xuống. Trước là dòng kênh, phía sau là biển, ngôi nhà tạo cảm giác chênh vênh, dường như lúc nào cũng thấp thỏm nỗi lo nước tràn vào.

 

Ba thế hệ gia đình ông Hai Cẩn sống ở đó. Thành viên nhỏ nhất là bé trai mới chào đời được 7 tháng. Lúc chúng tôi đến, chị Trần Thị Mộng Ngân, con dâu ông Hai Cẩn, đang lấy nước mưa pha sữa cho con.

"Pha sữa cũng pha vừa đủ, vừa tiết kiệm sữa, cũng tiết kiệm luôn nước. Tôi phải dùng nước mưa để pha sữa. Nước tắm cho bé hạn chế lắm, không dùng xả láng được. Nước được cho cũng không dám lấy tắm, sợ thuốc tẩy này kia, hơn nữa tắm nguồn nước lạ, em bé bị bệnh ngoài da", chị Ngân than thở. 

Thêm người thêm vui. Nhưng giữa đợt hạn mặn khốc liệt, chăm sóc cho đứa bé 7 tháng tuổi là thách thức thật sự. Những năm trước nguồn nước dự trữ tạm đủ để gia đình xài. Tuy nhiên, năm nay có con nhỏ nên nguồn nước sinh hoạt bị thiếu hụt hẳn. 

Chỉ tay về từng cái lu, chị Ngân giải thích, lu này dùng để tắm gội, còn lu kia dùng nấu nướng, ăn uống. Nước để tắm là nước được hứng từ những cơn mưa đầu mùa, còn nước để ăn uống được hứng từ những trận mưa sau đó.

Nghe con dâu kể chuyện, xen giữa là tiếng khóc oe oe của cháu nội, ông Hai Cẩn chẳng giấu được những tiếng thở não nề. Gần cả đời sống ở đây, nguồn nước ngọt từ nhà máy vẫn là thứ quá đỗi xa xỉ với vợ chồng ông. Nằm quá xa nguồn cấp, áp suất không đủ để đưa nước sạch theo đường ống nước chạy tới nhà ông Hai Cẩn.

Thiếu thốn, mỗi người chỉ được xài một xô nước ngọt mỗi ngày. Ông Hai Cẩn tự định ra tiêu chuẩn ấy cho các thành viên trong gia đình như thế.

Và để minh chứng cho những nỗ lực “sống chung với hạn mặn”, ông dẫn chúng tôi ra sau hè và “khoe” những “công trình trữ ngọt” với bể dự trữ, thùng và lu.

Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, ông nhớ như in cảnh người dân trong vùng “khát” nước ngọt như người ta đến bữa thiếu cơm, phải chầu chực cả ngày đón các xe bồn để mua nước ngọt với giá cắt cổ. Từ đó, ông ra chợ tìm mua lu và đào hố để dự trữ nước mưa. Rồi làm đường ống từ mái nhà, để nước mưa chảy vào bể.

Đến mùa khô hạn năm nay, ông vạch ra kế hoạch sử dụng rõ ràng. Nước nhiễm mặn thì dùng rửa chén bát, giặt giũ... Nước mưa trong lu, ông mang vào đun sôi để nguội, rồi đổ vào các bình chứa dùng hàng ngày trong nấu nướng, ăn uống.

 

Tính ra, nếu đi mua khoảng 80 m3 nước ngọt mất 8 triệu đồng, tương đương 1 chỉ vàng. Hổng ai ngờ, nước quý như vàng là có thật”, ông Hai Cẩn lẩm nhẩm tính, rồi lắc đầu, tỏ vẻ chán nản.

Chỉ tay ra biển, ông Hai Cẩn nhớ lại gần 40 năm về trước, ông cùng vợ đặt chân đến mảnh đất này bắt đầu một cuộc sống mới với các đầm nuôi tôm. Mỗi năm sóng đánh vào, ông bị mất từ 50 - 100 m2, sóng đánh lúc nào thì ông lại dời khu nuôi tôm vào lúc đó.

Nhưng chưa bao giờ ông chứng kiến cảnh tượng biển nước biển xâm thực nhanh chóng như 4 năm về trước. Lúc đó, mực nước biển dâng cao dồn dập, đánh vỡ khu nuôi tôm gần 4 ha của gia đình. Từ trong nhà chạy ra, ông thấy tôm trôi theo dòng chảy tuồn ra.

"Bao nhiêu vốn liếng bị trôi đi hết, gia tài dành dụm cả đời phút chốc bị nhấn chìm", ông Hai Cẩn nói và cho biết ông mất gần nửa tỷ đồng đợt đó.

Cách đây 2 năm, gia đình ông Hai Cẩn dự định dời đi, chuyển đến nơi khác để sinh sống. 

"Chưa bao giờ thấy cảnh hạn mặn đến sớm và hết nước trầm trọng như năm nay. Năm 2020, hạn mặn cũng khốc liệt nhưng đến trễ", ông Hai Cẩn nói.

Trời ngả màu, nắng về chiều bớt gắt. Anh Trần Ngọc Du, con trai ông Hai Cẩn, trở về nhà trên chiếc ghe kêu ình ịch. Công việc hằng ngày của anh Du là bắt sò giống, bán cho thương lái. 

Cái áo ướt đẫm vắt một bên vai, anh Du vừa bước vừa lẩm bẩm: "Riết thua con gà, tắm có xô nước mà không cho".

Thấy chồng có vẻ bực tức, chị Ngân chỉ dám nhẹ nhàng nhắc đang phải tốn tiền đổi nước cho 7 người trong gia đình.

Cách nhà ông Hai Cẩn chừng 100m, gia đình ông Nguyễn Văn Nhỏ cũng quay quắt giữa cơn hạn mặn. Ông Nhỏ làm “hồ trữ nước” bằng bạt từ năm ngoái. Tuy nhiên hồ bị rễ cây đâm vào, nước theo đó chảy ra hết.

Để có nước sinh hoạt, ông phải đi mua nước, giá từ 90.000 - 100.000 đồng/khối. Giá này, đối với gia đình ông Nhỏ, là cao ngất ngưởng. Các ghe đổi nước cũng "làm biếng" vào khu này bởi ít nhà. Vậy là hằng ngày ông Nhỏ cùng nhiều người phải sử dụng nước mặn dưới sông để tắm giặt.

Ông Nhỏ dùng nước mặn tắm trước, rồi dùng một gáo nước ngọt tráng qua người. Những việc như rửa bát, gia đình ông cũng dùng nước mặn trước rồi mới lấy nước ngọt tráng lại lần cuối, để không phí phạm giọt nước ngọt nào. 

"Hiện chúng tôi khổ cực, cần nước rất nhiều. Tối ngày chỉ quanh quẩn chuyện tiết kiệm, đổi nước và không có tiền xài. Những hộ có tiền thì còn mua thùng nước, những hộ nghèo, cận nghèo trong ấp không có nhiều dụng cụ chứa nước nên khổ lắm", ông Nhỏ tâm sự.

Ông Nhỏ cũng cho hay, hạn mặn năm nay khốc liệt hơn 4 năm trước. Khu vực ông ở dù có nhiều tuyến đường thủy, nhưng xâm nhập mặn, nắng nóng gay gắt kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.

 

Dẫn chứng câu chuyện của những gia đình như ông Hải Cẩn, ông Nguyễn Văn Nhỏ trong câu hỏi đặt ra với lãnh đạo huyện Tân Phú Đông, chúng tôi nhận được câu trả lời, hạn mặn trên địa bàn không gay gắt như năm 2020, nhưng đặc điểm của năm nay là hạn mặn cao, bất thường và xâm nhập sâu vào nội địa. 

Vì thế nguồn nước sông đã nhiễm mặn hoàn toàn và không có nguồn nước nào để phục vụ nhu cầu canh tác của người dân. 

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Tân Phú Đông cho biết, tình hình thiếu nước trên địa bàn huyện Tân Phú Đông diễn ra sau Tết Nguyên đán. Nguồn nước tích trữ của người dân tích đã cạn kiệt. Hiện trên địa bàn huyện có gần 2.000 hộ thiếu nước, đây là những hộ nghèo, khó khăn, không đủ trang thiết bị để chứa nước. 

Để hỗ trợ người dân, huyện đã mở 7 điểm nước cộng đồng nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Sau đó, huyện lắp 45 bồn cho 24 điểm để người dân tới lấy nước và có các “mạnh thường quân” hỗ trợ nước sinh hoạt và nước uống đóng chai cho người dân. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất không đáp ứng được. 

 

Theo ông Hải, dự kiến đến giữa tháng 5 mới bắt đầu mùa mưa. Để tình hình thiếu nước sinh hoạt không thêm trầm trọng, từ nay đến hết mùa khô, các ao chứa nước trên địa bàn huyện ngày nào cũng phải được bổ sung thêm nước.

Ông Hải cho biết thêm những năm gần đây để ứng phó với hạn mặn, huyện đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trước đây, phần lớn diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện là trồng lúa nhưng giờ chuyển sang trồng sả, cần ít nước tưới hơn và khả năng chịu mặn cao. Người dân làm cơ bản cũng có lãi, đảm bảo cuộc sống.

UBND huyện mới đây đã có công văn đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang vận chuyển nước ngọt bằng sà lan bơm vào ao xã Phú Thạnh và ao xã Tân Thới, mỗi ao 2.000 m3/ngày.

Ngày 1/3, do xâm nhập mặn trên sông Tiền tăng đột biến, tỉnh Tiền Giang đã đề nghị đóng cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành, để ngăn không cho nước mặn từ sông Tiền vào bên trong, bảo vệ nguồn nước ngọt cho người dân.

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành hiện vẫn chưa thi công xong, mới chỉ đạt khoảng hơn 70% tiến độ, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2024. Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành được đầu tư hơn 500 tỷ đồng, là một trong chín cống ngăn mặn dọc theo sông Tiền.

Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, Tiền Giang cùng với Long An là những tỉnh bị xâm nhập mặn nặng nhất trong năm 2024. Từ nay đến cuối tháng 5, khu vực Tây Nam Bộ còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao vào 23 - 28/4 và 6 - 12/5.

Báo cáo tình hình thuỷ văn tới cuối tháng 3/2024 độ mặn năm nay ở sông Tiền mức cao hơn năm 2016, 2020, 2023. Ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 55 - 65 km trên sông Tiền. Ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 50 - 60 km trên sông Hậu.

Độ mặn cao nhất trên sông Vàm Cỏ xuất hiện vào khoảng giữa tháng 4/2024, tại Cầu Nổi ở mức 18,9g/l, tại Tân An (Vàm Cỏ Tây) là 4,7g/l, Bến Lức (Vàm Cỏ Đông) độ mặn là 5,9 g/l. Ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu vào khoảng 75 - 80 km tính từ cửa sông.

Nguồn:

Tin mới