Những ngày này, xưởng may của gia đình anh Nguyễn Văn Phục (thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) đang tất bật với công việc in ấn, cắt may để cung ứng hàng nghìn lá cờ Tổ Quốc phục vụ dịp Quốc khánh 2/9 và lễ khai giảng năm học mới.
Người đàn ông sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 đời làm nghề may cờ Tổ quốc cho biết, hiện tại ở làng Từ Vân không còn nhiều hộ duy trì nghề may cờ Tổ quốc, song việc gìn giữ và phát triển làng nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc nên gia đình anh vẫn gắn bó với nghề suốt hơn 20 năm nay. Những sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của dân tộc, đều có lá cờ Tổ quốc của làng Từ Vân.
Theo anh Phục, để may được một lá cờ có rất nhiều công đoạn. Công đoạn đầu tiên là phải chọn vải đẹp, cắt thành cờ rồi may. Trong hình, anh Phục đưa kéo cắt hình ngôi sao vàng 5 cánh khổ rộng.
Người thợ làm cờ phải đo chính xác, lấy phấn đánh dấu rồi đặt ngôi sao và lấy ghim để giữ. Bước quan trọng là ghép ngôi sao vào cờ, phải chính xác, đúng kích thước tiêu chuẩn.
Để may ngôi sao cho chính xác, đẹp, phẳng, người thợ phụ trách khâu này phải có nhiều năm kinh nghiệm. Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc nên may cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải khéo léo, cẩn thận.
Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ.
Với niềm đam mê nghề, nhằm nâng cao năng suất, anh Phục liên tục mua thêm những máy móc hiện đại đưa vào sản xuất, nhờ đó có thể cắt được những lá cờ với kích thước chuẩn trong thời gian ngắn.
“Trước đây, may cờ chủ yếu làm bằng tay tốn nhiều thời gian, cần nhiều người làm nên có năm làm không kịp hàng. Hiện nay, chúng tôi dùng máy móc sản xuất hiện đại tự động, lập trình trên máy vi tính cho nên độ chính xác, năng suất rất cao”, anh Phục chia sẻ.
Ngoài lá cờ khổ rộng, những lá cờ đỏ sao vàng kích thước nhỏ, có cán cầm, được khách đặt hàng với số lượng lớn để phục vụ cho ngày khai giảng sắp tới.
Sau khi được cắt khuôn, in lưới, ép nhiệt, lá cờ đỏ sao vàng được người làm lắp vào cán cờ.
Công đoạn này được làm thủ công, cán cờ được tiện tròn và có kích thước đều nhau.
Những công đoạn làm cờ tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người làm có tâm huyết để làm ra được sản phẩm vừa bền, vừa đẹp.
Anh Phục chia sẻ: “Mùa dịch COVID-19, xưởng của anh cũng làm ít đơn đặt hàng hơn so với mọi năm, nhưng vào mỗi dịp Quốc khánh 2/9, ngày khai giảng năm học mới xưởng vẫn bận rộn và làm liên tục để kịp giao hàng đúng hẹn”.
Ngoài nghề may cờ Tổ quốc, gia đình anh Phục còn may cờ Đoàn, cờ Đảng, những tấm băng rôn, những lá cờ lưu niệm, khen thưởng, cờ thi đua và may những lá cờ các nước khác nhau trên thế giới. Và đặc biệt, gia đình anh còn nhận phục chế lại các lá cờ trong bảo tàng nhằm lưu giữ lại những giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc.
Người thợ đang in hình bằng phương pháp in lưới trên bàn kính.
Những lá cờ sau khi in được phơi khô, gấp gọn gàng.
Sản phẩm cờ Tổ quốc của làng Từ Vân không chỉ cung cấp cho hầu hết các cửa hàng ở Hà Nội mà còn xuất đi nhiều địa phương trên cả nước với số lượng lớn. Anh Phục tự hào chia sẻ, trong số những lá cờ đỏ sao vàng có mặt ở mọi miền Tổ quốc, gia đình anh vinh dự được đặt làm lá cờ Tổ quốc treo ở cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang. Cờ có kích thước 54m2 đại diện cho 54 dân tộc của Việt Nam. Anh Phục luôn tâm niệm bản thân đang góp phần công sức để mang lá cờ thiêng liêng đến mọi miền Tổ quốc, từ đỉnh cao biên giới đến hải đảo xa xôi.
Video: Sừng sững cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng