Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Ba Lan tiếp tục gửi xe tăng Leopard 2 đến Ukraine mà không có sự chấp thuận của Đức, Ngoại trưởng Annalena Baerbock nói trên LCI TV: "Hiện tại câu hỏi vẫn chưa được đặt ra, nhưng nếu được hỏi ý kiến, chúng tôi sẽ không cản trở".
Đức sẽ không ngăn Ba Lan đưa xe tăng tới Ukraine. (Ảnh minh họa: Getty)
Bình luận của Ngoại trưởng Annalena Baerbock dường như đi xa hơn so với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông Scholz nói rằng tất cả các quyết định về việc chuyển giao vũ khí sẽ được Đức thực hiện với sự phối hợp của các đồng minh, bao gồm cả Mỹ.
Các quan chức Ukraine nhiều tháng qua đã kêu gọi các nước phương Tây cung cấp xe tăng do Đức sản xuất - nhưng Berlin cho đến nay vẫn chưa trực tiếp gửi xe tăng đến hay cho phép các nước NATO khác làm như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius hôm 22/1 nói quyết định về xe tăng có thể sớm được đưa ra, dù ông vẫn tỏ ra khá thận trọng. Ông cho rằng Đức sẽ không đưa ra quyết định vội vàng vì có nhiều yếu tố cần xem xét, bao gồm cả an ninh của người dân Đức.
Ngoài ra, các nguồn tin ở Đức nói với Reuters rằng họ sẽ cho phép gửi xe tăng nếu Mỹ đồng ý gửi xe tăng của chính họ. Nhưng các quan chức Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden chưa sẵn sàng gửi các xe tăng của nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông không loại trừ khả năng gửi xe tăng Leclerc tới Ukraine.
Tuy nhiên, ông Macron nói rằng việc gửi xe tăng không được làm leo thang tình hình, và phải tính đến thời gian huấn luyện hiệu quả cũng như không được gây nguy hiểm cho an ninh của chính nước Pháp.
Người phát ngôn Điện Kremlin trước đó chỉ trích rằng việc các nước phương Tây cung cấp thêm xe tăng cho Ukraine sẽ không thay đổi cuộc xung đột và sẽ chỉ làm tăng thêm các vấn đề của người Ukraine.