Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghịch lý HLV ngoại ở V-League và tuyển Việt Nam

Lừng lẫy như Alfred Riedl hay tài năng như Chung Hae-seong đều đã thất bại ở V-League, lấy gì để tin Kiatisak Senamuang sẽ thành công tại đây?

"Đây không hẳn là lỗi của ông Lopez hay của Thanh Hoá. Bóng đá Việt Nam mới đang tiến lên chuyên nghiệp, trong khi HLV này đến từ một nền bóng đá ở tầm cao. Có thể đây là khoảng cách mà không phải một sớm một chiều giải quyết được".

Đó là những lời cựu Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ dành cho HLV Fabio Lopez sau cuộc chia tay ồn ào giữa đôi bên. Phát biểu của ông Đệ mang tới một thông điệp: Tài năng là chưa đủ cho HLV ngoại thành công ở V-League.

HLV Chung Hae Seong chỉ trụ lại CLB TP.HCM 2 mùa. 

Thách thức với thầy ngoại ở V-League

Ông Lopez không phải HLV ngoại đầu tiên thất bại ở Thanh Hóa. Trước chiến lược gia người Italy, Thanh Hóa cũng tiễn cựu GĐKT Liên đoàn Bóng đá Romania Marian Mihail về nước chỉ sau vài tháng.

Riêng ở mùa giải 2020, bốn ông thầy ngoại đã mất việc tại V-League. Ngoài Lopez, ba người còn lại là Lee Tae-hoon (HAGL), Carlos Oliveira (Bình Dương) và Chung Hae-seong (CLB TP.HCM). Riêng ông Chung hai lần dừng việc ở TP.HCM dù mới đưa đội bóng giành á quân, trở thành thế lực V-League một năm trước đó.

Lừng lẫy như Alfred Riedl hay am hiểu bóng đá Việt như Kiatisak Senamuang đều từng thất bại, thậm chí ngã ngựa nhiều lần ở Việt Nam. Xa hơn nữa, các GĐKT Jurgen Gede hay Rainer Wilfeld đều không thể cho thấy năng lực thật sự của họ khi công tác tại Việt Nam. Chuyên gia người Uruguay Daniel Enriquez cũng rời vị trí GĐKT CLB Hà Nội chỉ sau vài tháng, để lại hàng loạt bình luận không hay về đội bóng.

Chiều ngược lại, bốn đội dẫn đầu V-League 2020 đều được dẫn dắt bởi các HLV nội. Trương Việt Hoàng vô địch ngay trong mùa giải V-League đầu tiên cùng hậu bối Thể Công, còn Vũ Tiến Thành giúp CLB thăng hoa dù chỉ “tạm quyền” trong thời gian chờ tìm HLV mới.

Nghịch lý ấy cho thấy có một khoảng cách rất lớn giữa các ông thầy ngoại với bóng đá Việt Nam. Khoảng cách ấy không thể khỏa lấp chỉ bằng năng lực huấn luyện mà còn cần thời gian, sự thấu hiểu với V-League.

Ljupko Petrovic là ngoại lệ của V.League khi thành công và được nể phục ngay trong mùa giải đầu tiên. Nhưng nên nhớ, ông là một HLV từng vô địch châu Âu.

Những đội bóng địa phương với môi trường làm việc cực kỳ đặc thù, được tổ chức thành một mạng lưới, có nhiều quan hệ chồng chéo với nhà tài trợ, sở thể thao, lãnh đạo tỉnh và Hội CĐV đủ sức thách thức bất kỳ HLV mới nào. Những ông thầy ngoại cần thích nghi với những điều đó trước khi nghĩ tới thành công tại V-League.

Không hề tình cờ khi những HLV ngoại hiếm hoi thành công ở V-League đều đã gắn bó rất lâu với Việt Nam như Henrique Calisto cùng Long An hay Dylan Kerr cùng Hải Phòng. Thành tựu của ông Ljupko Petrovic tại Thanh Hóa là sự khác biệt nhưng đâu phải ngày nào, V-League cũng được thấy một HLV từng vô địch châu Âu.

Tuyển Việt Nam cần thầy ngoại, nhưng V-League chuộng HLV nội

"Trừ Calisto, CLB vẫn là sân chơi của HLV nội. Đến lúc này, tôi vẫn nói rằng HLV trưởng phải là thầy ngoại, nhưng làm V-League nên là người Việt Nam. HLV ngoại khó để tạo đột phá, cách tân, phá cách vì rào cản về văn hóa và giao tiếp", BLV Quang Huy nhận xét.

Đặc thù tập trung ngắn ngày tại tuyển Việt Nam đòi hỏi sự tập trung cao độ cả từ cầu thủ lẫn ban huấn luyện. Điều đó cho phép HLV ngoại áp đặt ngay tiêu chuẩn riêng lên từng cầu thủ, vốn đã là những cái tên chuyên nghiệp nhất của bóng đá Việt Nam.

Bối cảnh thời gian gấp gáp và áp lực thành tích lớn cũng buộc cầu thủ và HLV phải cùng nhìn về một hướng, tập trung tối đa vào chuyên môn.

Các HLV ngoại ở tuyển Việt Nam cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ liên đoàn, đa phần có trợ lý riêng, phiên dịch chất lượng. Họ có những môi trường làm việc lý tưởng mà những đồng nghiệp ngoại ở V-League không có được.

Hoạt động dài hạn ở các CLB đòi hỏi những chuyên gia nước ngoài phải thích nghi được với văn hóa, lối sống Việt Nam. Họ phải trực tiếp va chạm với cầu thủ, trợ lý, lãnh đạo CLB cả trong cuộc sống và công việc nên dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Nhiều HLV tới Việt Nam một mình, không có trợ lý riêng, thậm chí không có phiên dịch đủ tốt để làm việc cả với nội binh và cầu thủ ngoại, những người có thể tới từ nhiều quốc gia, nói nhiều thứ tiếng khác nhau.

Dàn nội binh của HAGL không kém cạnh bất kỳ đại diện V.League nào.

Tóm lại, nếu chuyên môn giỏi là điều kiện đầu tiên cho đội tuyển, thì ở CLB, khả năng thích nghi mới là yếu tố đáng xem xét nhất. Nhiều HLV nước ngoài đã bị “sốc” văn hóa khi tới và làm việc trong môi trường bóng đá Việt Nam.

Nhiều người trong số họ cũng chưa có một hình dung rõ ràng về trình độ V-League, hiểu nhầm về giải đấu hoặc đòi hỏi không thực tế từ cầu thủ Việt. Cầu thủ Thanh Hóa từng miêu tả ông Lopez là "thông minh" khi HLV người Italy tổ chức các buổi tập trong khung 8-10h sáng, giữa cái nắng nóng của mùa hè.

Cơ hội nào cho Kiatisak?

Đó là lý do nhiều người lo lắng cho Kiatisak khi ông nhận lời trở lại HAGL ở V-League 2021.

Về trình độ, Kiatisak không hơn nhiều HLV ngoại khác từng làm việc tại Việt Nam. Hai lần thử sức trước đó của ông ở HAGL đều không mang tới thành công, nhất là trong lần tái hợp hồi năm 2010, khi Kiatisak có trong tay một đội hình chất lượng với Lee Nguyễn là ngôi sao lớn nhất.

10 năm sau ngày đó, dù đã gặt hái nhiều vinh quang tại đội tuyển, thành tích của Kiatisak ở cấp CLB không khởi sắc hơn. Lần cầm quân gần nhất tại Port, ông phải ra đi sau thành tích 10 trận, một chiến thắng. Nhưng điều đó không có nghĩa Kiatisak hết cơ hội.

10 năm sau ngày đó, ông đã có nhiều kinh nghiệm hơn ở các cấp độ bóng đá khác nhau, đã nếm trải cả vinh quang và cay đắng. Bản thân ông từng có thời gian dài làm việc tại HAGL nên chuyện thích nghi với văn hóa, lối sống sẽ không phải điều khó khăn.

Kiatisak sẽ thành công ở HAGL? 

Quyết định giữ lại các trợ lý người Việt là hành động khôn ngoan của Kiatisak. Chưa kịp đặt chân tới phố núi, ông đã có được những đồng minh đầu tiên. Cầu thủ HAGL sẽ thuần phục ông, người mà họ đã trực tiếp đề nghị bầu Đức chiêu mộ, người vừa là một huyền thoại, vừa nhiều lần đánh bại họ cả ở cấp U23 và tuyển quốc gia.

Bản thân Kiatisak cũng đã thay đổi khá nhiều trong những năm qua. Không như ngày còn ở tuyển Thái Lan, Kiatisak tỏ ra thận trọng hơn hẳn. Khi nhiều người bắt đầu nói về ngôi vô địch, “Sắc” nhẹ nhàng bảo ông chỉ đặt mục tiêu tốp 4. Đó không phải thách thức quá lớn với một CLB đã vào nhóm đua vô địch mùa trước.

Tình hình HAGL cũng mang tới nhiều tín hiệu tích cực. Đại diện phố núi mới chiêu mộ Huỳnh Tuấn Linh, Nguyễn Hữu Tuấn và Nguyễn Văn Việt. Cộng thêm Công Phượng mới được gọi về, HAGL thực tế đã có 4 tân binh so với mùa trước. Nếu có ngoại binh giỏi, Kiatisak chẳng cần sợ bất kỳ đối thủ nào ở V-League.

Lực lượng, tài chính, tham vọng, HAGL đều đã có đủ. Bầu Đức đã dọn sẵn mọi thứ để Kiatisak yên tâm làm việc. Phần còn lại, huyền thoại Thái Lan phải tự mình thực hiện.

Sau HLV Calisto, Kiatisak đang có cơ hội phá bỏ “lời nguyền” của những ông thầy ngoại tại V-League.

Nguồn: Zing News

Tin mới