Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghịch cảnh: Khi nhà băng đi bán gà, thanh lý quần áo cũ

Chưa bao giờ, tài sản phát mại của các ngân hàng được đem ra bán đấu giá nhiều như thời gian này, tài sản thế chấp được đem ra đấu giá có cả quần áo, gà vịt...

Nghìn lẻ một loại tài sản đấu giá, thu nợ

Những tháng cuối năm, tình hình nợ xấu có chiều hướng gia tăng khiến một số ngân hàng phải ồ ạt phát mãi tài sản để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều tài sản thế chấp bị ngân hàng tịch thu đã được rao bán nhiều lần. Thậm chí, có những ngân hàng đã giảm giá trị các tài sản thế chấp tới 20% để nhanh chóng thu hồi vốn.

Các ngân hàng rao bán khoản nợ của doanh nghiệp bao giờ cũng bằng hình thức đấu giá. Mỗi ngân hàng có những công ty đấu giá với cái tên quen thuộc như của BIDV là Công ty Đấu giá Hợp Danh Minh Pháp, Agribank có Công ty Đấu giá Hợp Danh Đông Nam; VietinBank với Công ty Đấu giá Hợp Danh Sao Việt...

Nhà đất đấu giá tại TP.HCM theo khoản nợ của ngân hàng. (Ảnh: Công ty Đấu giá Hợp Danh Minh Pháp).

Một lãnh đạo Công ty Đấu giá Hợp Danh cho rằng, bản thân những tài sản đem ra đấu giá thường gặp vướng mắc về pháp lý. Nếu không giảm giá sẽ không có khách mua. Thường ngân hàng sẽ thoả thuận với khách hàng trước khi đấu giá để người có tài sản đảm bảo tự đem bán. Tuy nhiên, trong trường hợp ngân hàng và khách hàng không thống nhất được thì sẽ phải đem tài sản ra đấu giá.

Tài sản đấu giá thường thấp hơn so với thị trường khoảng 10%. Thậm chí, có tài sản bán đi bán lại hàng chục lần và giá cũng giảm theo. Với khách hàng tham gia đấu giá phải am hiểu về tài sản, không phải ai cũng dám mua.

Lãnh đạo của một ngân hàng trong khối Big 4 chia sẻ, đấu giá khoản nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Tài sản thế chấp được đem ra đấu giá thu hồi khoản nợ đa dạng như: Đất đai, nhà cửa, xe, máy móc, thậm chí hoa mầu, gà, vịt, quần áo cũ...

Theo vị này, giai đoạn trước, việc đấu giá tài sản thuận lợi, nếu đấu lần thứ nhất không được, lần thứ 2 giảm 10%, có khách "chốt" ngay. Tuy nhiên, vào thời điểm này, khi kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản gặp khó về thanh khoản nên nhiều tài sản đấu giá "ế" dù liên tục hạ giá.

"Có trường hợp bán đấu giá thấp, ngân hàng không thu đủ khoản nợ nhưng vẫn phải bán. Tuy nhiên, không có chuyện khoản nợ 6 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là bất động sản mà ngân hàng bán không được giảm sâu xuống 4 tỷ đồng", vị này tiết lộ và cho biết thêm, trước đây chính đối tượng tham gia đấu giá cũng vay ngân hàng mua tài sản phát mại, nhưng nay ngân hàng không còn room tín dụng cho vay nên việc đấu giá chậm. Tài sản đảm bảo là đất đai, nhà cửa luôn hấp dẫn nhất so với các loại hình thế chấp khác.

"Cá mập" nào đang thâu tóm các ngân hàng phát mại?

Trong khi đó, một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên mua gom bất động sản bán lại cho biết, bản thân công ty chuyên lo những thương vụ khoảng 100 tỷ đồng với loại hình chung cư, đất nền... sau đó bán lẻ lại. Những thương vụ này tiếp cận rất dễ từ chủ đầu tư và có mức giá tốt. Tuy nhiên, với loại hình bất động sản bán đấu giá từ phía ngân hàng rất khó tiếp cận.

"Chúng tôi cảm giác, chỉ có những mối liên hệ sâu sắc với ngân hàng hoặc sân sau của ngân hàng mới chốt được giá đấu hợp lý. Họ chính là những "cá mập" chuyên săn hàng trăm tỷ và sang tay ngay cho những người có sẵn tiền", vị này cho hay.

Theo vị này, có "cá mập" đi săn loại hình đấu giá tài sản của ngân hàng nhưng để sang tay kiếm tiền ngay chứ không ôm và chờ bất động sản lên giá sau vài năm. Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, giá giảm như hiện nay chính là cơ hội cho những người thâu tóm.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới