Vào năm 2015, khi mới 13 tuổi, Liu Mouyang, con trai của Liu Jiangou đã đem sáng chế về “Thiết bị phát hiện nhanh ô nhiễm khói mù di động” tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên tại Trung Quốc. Nhờ sáng chế này, Liu Mouyang đã giành được nhiều giải cấp tỉnh và cấp quốc gia, đồng thời được tuyển thẳng vào trường THCS trọng điểm Hợp Phì.
Theo trang web chính thức của cuộc thi, thiết bị của Liu Mouyang có thể định lượng hơn 10 loại thành phần khí ô nhiễm khác nhau, đồng thời giúp cảnh báo và phát hiện nguồn gây ô nhiễm không khí. Nó rộng khoảng 50 cm, nặng 10kg và có quai xách. Trong một cuộc phỏng vấn, Liu Muoyang cho biết cậu đã bắt đầu tìm hiểu về quang học dưới sự hướng dẫn của giáo viên trong trường, kết hợp với sự trợ giúp từ những người khác. Sau hơn 1 năm thử nghiệm, cậu cũng đã thành công tạo ra sáng chế này.
Tuy nhiên, vào hồi tháng 10 năm nay, nhiều người lại phát hiện ra tên gọi, hình thức bề ngoài và cả nguyên lý hoạt động trong sáng chế của Liu Mouyang giống hệt với phát minh năm 2012 của Viện Quang học và Cơ học An Huy, thuộc Viện Nghiên cứu Hợp Phì. Khi đó, cha của cậu, ông Liu Jiangou cũng đang giữ chức phó viện trưởng và là người đóng góp chính trong dự án này.
Nhiều ý kiến cho rằng, thiết bị này được vận hành bằng nguyên lý quang học phức tạp và vượt xa hiểu biết của một học sinh trung học cơ sở. Không chỉ có hình dáng tương tự, phông chữ in trên hai thiết bị này cũng rất giống nhau.
Nghiên cứu của Liu Mouyang (bên trái) và sản phẩm của ông Liu Jianguo cùng đồng nghiệp (bên phải) có nhiều điểm tương đồng.
Không dừng lại ở đó, đến năm 2018, Liu Mouyang một lần nữa giành được nhiều giải thưởng và bằng sáng chế cấp quốc gia cho sáng chế “Hệ thống sàng lọc nhanh bằng laser giúp phát hiện tài xế say rượu”. Trùng hợp, sáng chế này cũng có nguyên lý tương tự với phát minh “Hệ thống giám sát trực tuyến phát hiện tài xế say rượu” được ông Liu Jiangou triển khai cách đó 7 năm.
Nguyên lý hoạt động của thiết bị này một lần nữa vượt quá hiểu biết của lứa tuổi phổ thông. Nó dùng tia laser làm nguồn sáng, chiếu trực tiếp qua mao mạch trên ngón tay của tài xế, sau đó được đầu thu ghi lại và phân tích xem có sự xuất hiện của khí Ethanol hay không. Nếu có thì nồng độ là bao nhiêu và đã thuộc ngưỡng vi phạm luật giao thông hay chưa.
Nhiều nghi vấn đặt ra về việc lãnh đạo Viện Khoa học Vật lý Hợp Phì ăn cắp ý tưởng của tập thể để mưu lợi cá nhân. Tuy nhiên, ông Liu Jianguo vẫn chưa lên tiếng hay đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
Về phía nhà trường nơi Liu Mouyang từng theo học, các giáo viên cho rằng, “rất có thể, Liu Mouyang đã nhận được sự giúp đỡ từ cha mình trong quá trình nghiên cứu”. Tuy nhiên, “sự tương đồng giữa các phát minh là điều bình thường, vì cha cậu bé làm trong lĩnh vực này nên có thể Liu Mouyang đã bị ảnh hưởng bởi cha mình”, đại diện nhà trường thông tin.