Trong cộng đồng Tày-Nùng Việt Nam, nhiều người biết đến bà Then - Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Năm nay bà tròn 100 tuổi. Bà đã dành tâm huyết sưu tầm, thể hiện đầy đủ và nguyên vẹn các nghi thức dân gian, ghi nhớ và thuộc lòng hàng vạn bài của cả hành trình then. Những cống hiến thầm lặng của bà đã góp một phần quan trọng để nghi lễ thực hành then của dân tộc Tày, Nùng Thái Việt Nam được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt năm nay tròn 100 tuổi.
Tiếng đàn tính của bà Kịt có sức lôi cuốn kỳ lạ cả người già, người trẻ. Tự nhận mình là học trò của bà Mỗ Thị Kịt, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Thủy Tiên, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Ngón đàn của bà Kịt như có ma lực, không phải ai cũng học được. Bà Kịt thuộc lòng hàng vạn câu then, có thể biểu diễn hát trong ba ngày, ba đêm. Tiêu biểu như trong lễ làm lẩu then (hội then), lễ Khao Sluông (lễ trưởng thành) của người Tày Nùng".
Sinh ra và lớn lên mảnh đất Bình Gia, nơi được coi là "cái nôi" then xứ Lạng, nghệ nhân Mỗ Thị Kịt bắt đầu học then từ khi 15 tuổi. Sư phụ của bà là thầy then Triệu Thị Chứ (người làng Ngọc Quyến, xã Tô Hiệu cũ, nay là thị trấn Bình Gia). Nhờ cần cù, chịu khó, thông minh, bà còn được cụ Triệu Thị Chứ chọn làm con dâu. Then Kịt được mẹ chồng truyền dạy những bài then cầu bình an, chúc thọ, mừng nhà mới, giải hạn, an ủi người ốm, động viên người gặp nạn…
Đặc biệt là hàng năm, vào dịp đầu xuân Tết Nguyên đán, bà thường tổ chức lẩu then (còn gọi là hội then) tại nhà để gợi nhớ tổ tiên, đoàn kết xóm làng. Mỗi dịp như vậy, bản trên, xóm dưới lại kéo đến nghe hát then say sưa hết đêm này, qua đêm khác. Khi còn khỏe, hễ có gia đình nào có lời mời làm then là bà lại lên đường, không quản ngại đường xa, khó nhọc. Nức tiếng gần xa, người ta quí bà không chỉ bởi ngón đàn giọng hát, họ kính trọng Then Kịt bởi cái tâm, cái đức.
Người ta quý bà không chỉ bởi ngón đàn giọng hát, họ kính trọng Then Kịt bởi cái tâm, cái đức.
Nghệ nhân Mỗ Thị Kịt tâm niệm: “Then đặc biệt lắm, nó giúp giáo dục, dạy bảo người ta phải biết thương yêu nhau, không cãi cọ, đố kỵ với nhau, phải biết sống tình cảm, liền gắn những vết thương lại. Khi đi hát then, có những người trả tôi 1.000 đồng, 2.000 đồng nhưng tôi vẫn làm. Thậm chí có những người nghèo quá, ốm đau bệnh tật, không có tiền tôi còn phải mua gà để mang đi làm lễ để hát giải hạn cho người ta. Cuộc đời tôi đi hát then tiền không phải tất cả, mà đó còn là tình cảm, là sự mến thương dành cho nhau, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Không cần nhiều tiền, cứ được đi hát then là tôi vui rồi”.
Gần 10 năm qua, bà Nông Thị Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Bảo tồn dân ca huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, con gái của bà Mỗ Thị Kịt đã chạy đua với thời gian để ghi chép lại toàn bộ hành trình then của nghệ nhân nhân dân Mỗ Thị Kịt. Hiện tại cuốn sách đó đã hoàn thành và chuẩn bị xuất bản vào cuối năm nay với tên gọi “Người giữ hồn then xứ Lạng”.
Theo bà Phượng, hành trình then của nghệ nhân nhân dân Mỗ Thị Kịt gồm 3 loại lớn, thứ nhất là Lễ hội then (được dùng để cấp sắc cho then mới vào nghề hoặc thăng sắc cho các then lâu năm trong nghề); Thứ 2 là then giải hạn và then sinh nhật; Thứ 3 là then chuộc hồn (làm lễ cho người đã khuất). Mỗi hành trình then bao gồm rất nhiều chương, nhiều đoạn, nhiều bài với khoảng 20.000 câu thơ Tày có pha lời Việt và chữ Nôm.
Bà Nông Thị Phượng cho biết: “Nghệ nhân nhân dân Mỗ Thị Kịt có nghị lực sống phi thường, chưa đầy 15 tuổi đã mất bố, mất mẹ, mất anh trai. Bà là tượng đài trong lòng các con, các cháu. Bà hành nghề Then tín ngưỡng, tuổi nghề của bà đã trên 85 năm, đó là hành trình đầy gian khổ nhưng cũng có đầy vinh quang. Được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân, có thể nói bà đã đạt đến đỉnh cao trong nghề nghiệp, và đây cũng là niềm tự hào của cá nhân bà, của các con các cháu”.
Bà được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân năm 2019.
Năm 2015, bà Kịt được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và năm 2019 được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Những nhà nghiên cứu văn hóa tìm đến bà Kịt như đến với một bảo tàng sống về Then của người Tày Nùng Việt Bắc.
Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Bách, giảng viên bộ môn Hát then, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc chịu sự ảnh hưởng không nhỏ từ bà Mỗ Thị Kịt. Anh đã đang nghiên cứu và có những bài viết về thầy then nức danh này: “Dòng then của cụ Kịt có nhiều điều hết sức đặc biệt. Cụ sinh năm 1921 và là 1 trong những nghệ nhân tham gia thực hành then từ khi còn trẻ tuổi, cho nên dòng Then của cụ còn lưu giữ được nhiều nét cổ. 100 tuổi rồi mà vẫn hát tốt như thế chứng tỏ cụ có giọng hát đầy nội lực. Trong những văn bản then của cụ thì rất cổ và lưu giữ được nhiều từ ngữ Tày cổ, thể hiện sự giao lưu văn hóa Tày- Kinh trong đó. Đối với những nghệ nhân trẻ, cụ Mỗ Thị Kịt là nhân chứng để đối chứng, để các nghệ nhân trẻ tìm hiểu xem lề lối ngày xưa như thế nào, để họ học tập, khôi phục lại những nét văn hóa cổ đó”.
Nghệ nhân Mỗ Thị Kịt được ví như là một trong những "báu vật then" quý giá của tỉnh Lạng Sơn.
Bà Mỗ Thị Kịt được ví như là một trong những "báu vật then" quý giá của tỉnh Lạng Sơn. Bà đã được mời đi nhiều nơi biểu diễn để giới thiệu cái hay, cái đẹp và những tinh túy của Then.
Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Lạng Sơn, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Bà Mỗ Thị Kịt bây giờ đã 100 tuổi. Bà gắn bó đời mình với Then như vậy suốt trên 80 năm. Với những người làm văn hóa như chúng tôi, Mỗ Thị Kịt được coi là Người giữ hồn Then xứ Lạng. Bà là di sản quý hiếm bởi bà đã có công giữ làn điệu, tiết tấu then Xứ Lạng, có công truyền dạy thông qua các học trò, các con sớ (con nuôi). Sự trao truyền đó đã giữ được hồn cốt, giữ được tinh thần, giữ được sự cân bằng. Chính vì vậy nó đã góp phần giữ gìn phong tục tập quán, giữ gìn nền tảng văn hóa Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung”.
Cầm trên tay cây đàn tính, nghệ nhân nhân dân Mỗ Thị Kịt vừa đàn vừa hát cho chúng tôi nghe. Nhìn khung cảnh này, chẳng ai nghĩ người nghệ nhân này tuổi đã tròn 1 thế kỷ. Đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo, lả lướt trên phím đàn tính, khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt bà nhìn về phía xa xăm… Cứ thế, những lời then say đắm, du dương được cất lên, bay cao, bay xa như những tài sản quý giá của văn hóa dân tộc.