Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghề mưu sinh độc đáo ở Hà Nội: 'Ôm' lò lửa giữa nắng nóng để 'thổi' ra tiền

(VTC News) -

Dù vất vả, nguy hiểm nhưng những người thợ thổi thủy tinh ở xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn gắn bó với nghề truyền thống này để mưu sinh.

Video: Nghề thổi thủy tinh ở xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, Hà Nội)

Nghề thổi thủy tinh bắt đầu xuất hiện tại xã Thống Nhất từ những năm 60. Dù đã trải qua nhiều thăng trầm và ngày dần mai một nhưng tại đây vẫn còn nhiều hộ gia đình gắn bó với nghề, hàng ngày tạo ra những sản phẩm thủy tinh thiết yếu để cung cấp cho thị trường.

Ông Lương Văn Trãi là người có gần 30 năm gắn bó với nghề thổi thủy tinh. Dưới cái nóng 35 độ C ở bên ngoài, xưởng của ông vẫn không ngừng đỏ lửa để hoàn thành những đơn hàng của khách.

"Vài năm gần đây, gia đình tôi không chỉ sản xuất bóng đèn, ống nghiệm mà còn làm những sản phẩm thủy tinh trang trí có độ phức tạp, cầu kỳ hơn như chuông gió, cây thông, 12 con giáp...Có đa dạng như thế thì mới có thêm thu nhập và gắn bó lâu dài được với nghề", ông Trãi cho biết.

Hàng ngày, ông Trãi và những người thợ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt khi suốt ngày ở cạnh lửa khò với nhiệt lượng hơn 700 độ, thậm chí là hơn 1.000 độ khi chế tạo những loại thủy tinh chịu nhiệt. Bất kể nắng nóng thế nào, người thợ cũng không được rời lò lửa đó. Ông Trãi chia sẻ: "Tay của những người thợ làm thủy tinh truyền thống ít ai lành lặn, lúc nào cũng chai sạm, đặc biệt hai đầu ngón tay cầm nắm thủy tinh sẽ to hơn bình thường, nhiều người làm nghề lâu năm còn mất cả vân tay. Vì thế, nếu không chịu khổ, chịu khó thì sẽ không thể trụ được với nghề".

Để tạo ra sản phẩm thủy tinh ưng ý và đẹp mắt, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Thủy tinh cũng cần đảm bảo không bị bám bẩn và được phân loại theo màu. Tùy từng sản phẩm mà quy trình sản xuất cũng khác nhau như dùng cách thổi, ép, kéo...

Người thợ thổi thủy tinh cạnh ngọn lửa 700 - 1.000 độ dưới tiết trời mùa hè hơn 35 độ C.

Những ống thủy tinh sẽ được cắt nhỏ dưới ngọn lửa khò.

Sau đó, dưới ngọn lửa nóng, người thợ sẽ tạo hình cho sản phẩm.

Khi đã đạt đủ độ nóng, người ta dùng tay xoay, tạo hình cho những mảnh thủy tinh theo từng ý tưởng.

"Nghề này phải thực sự chịu khổ, vào ngày mát thì còn đỡ nhưng vào ngày hè, có lúc thời tiết lên đến 40 độ C mà vẫn phải ngồi gần lò lửa, người lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Người thợ muốn làm nghề này phải rèn luyện được tính kiên trì, khéo léo, đòi hỏi phải có trên 1 năm kinh nghiệm, khi làm phải kết hợp giữa mắt nhìn và đôi tay cảm nhận. Thợ lành nghề là làm 100 sản phẩm thì cả 100 sản phẩm như nhau", ông Trãi nói.

Để tiết kiệm nhân lực cũng như tăng sản lượng, hộ gia đình ông Trãi đã đầu tư, sắm máy móc để sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn.

"Chiếc máy này được tôi nhập từ Trung Quốc về với hơn 200 triệu đồng, có thể thay thế được công sức của 10 - 15 nhân công, nên công việc sẽ trở nên bớt vất vả hơn Tuy vậy, công đoạn cắt ống ban đầu vẫn phải sử dụng cách thủ công", ông cho biết.

Trước đây, gia đình ông chỉ sản xuất được hơn 1.000 ống nghiệm mỗi ngày, nhưng nhờ chiếc máy này mà giờ đã sản xuất được tới 10.000 - 20.000 ống.

"Những ống nghiệm này là sản phẩm nổi bật của gia đình tôi, chủ yếu được tiêu thụ tại các bệnh viện lớn nhỏ khắp cả nước. Giá cho mỗi ống là 200 đồng. Với thu nhập từ nghề truyền thống này, chúng tôi vừa đỡ vất vả mưu sinh lại vừa gìn giữ được nghề do cha ông để lại. Mặc dù vậy, tôi cũng không biết còn theo nghề được bao lâu, khi sức khỏe ngày một yếu hơn và sản phẩm trên thị trường ngày càng đa dạng, cạnh tranh rất khốc liệt. Tôi chỉ mong "tre già, măng mọc", sẽ vẫn có thế hệ sau theo nghề, để nghề độc đáo này không bị biến mất ở Hà Nội", bà Ngà, vợ ông Trãi chia sẻ.

Minh Đức

Tin mới