Phiên họp diễn ra ngày mai (6/7). Theo dự kiến chương trình, sau khi Bộ trưởng Tài chính trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội sẽ trình bày báo cáo thẩm tra.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết.
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 3/7/2022 của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 4/7/2022 cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.
Theo đề nghị của Bộ Tài chính, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 như sau:
- Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
- Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
- Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.
- Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
- Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.
- Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022, đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết kể từ ngày 1/8/2022 để đảm bảo việc triển khai thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và góp phần ổn định lạm phát.