Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngày không tiền mặt 2021 có gì mới?

(VTC News) -

Ngày Không tiền mặt 2021 sẽ diễn ra từ 16/6 đến 30/8/2021, có nhiều đổi mới để phù hợp với diễn biến của đại dịch COVID-19 đang phức tạp ở Việt Nam.

Theo đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, Ngày không tiền mặt 2021 sẽ tập trung cho các hoạt động online và hướng người thu nhập thấp.

Chương trình Ngày Không tiền mặt năm 2021 được tổ chức bởi Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và Báo Tuổi trẻ, với sự đồng hành của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, fintech, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, thương mại...

Chương trình năm nay có nhiều hoạt động đổi mới, tập trung hướng đến giới trẻ như sinh viên, người tiêu dùng phổ thông, công nhân, người thu nhập trung bình, thấp.

Ngày không tiền mặt 2021 có nhiều hoạt động mới mẻ. (Ảnh minh họa)

Theo Ban Tổ chức, hàng loạt sự kiện hấp dẫn sẽ được diễn ra trong tháng 6 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Trong tháng 6/2021, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ...sẽ có những chương trình ưu đãi đặc biệt cho khách hàng khi mua sắm không dùng tiền mặt.

Thông qua chuỗi sự kiện, ban tổ chức kỳ vọng chương trình sẽ tạo cơ hội cho người dân trên cả nước, đặc biệt là giới trẻ, công nhân, người thu nhập trung bình thấp được trải nghiệm và thấy rõ hơn lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 song hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Tính đến cuối tháng 4/2021, giao dịch qua kênh internet tăng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh QR tăng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện. Điều này nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán.

Bằng Lăng

Tin mới