Theo các chuyên gia, khó khăn kéo dài nhiều tháng do dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp trong nước phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm cũng như thu hẹp quy mô kinh doanh.
Trong đó, hơn 50% các công ty phải thu hẹp qui mô kinh doanh của mình. Tình trạng này được các doanh nghiệp dự đoán sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng doanh thu của công ty đến tết 2021. Đặc biệt trong đó phải kể đến các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời.
Ngành quảng cáo ngoài trời có dấu hiệu phục hồi.
Thời gian qua nhiều doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời, tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm, cung ứng vật tư, thiết bị quảng cáo hầu như bị tê liệt, đình đốn. Quảng cáo báo chí, truyền hình vốn là thế mạnh thì nay lại giảm sút nặng nề và bị lấn át bởi quảng cáo trên mạng xã hội.
Mới đây, tại sự kiện trao "Giải thưởng Quảng cáo ngoài trời" - OOH Award 2021, ông Trần Thanh Vương - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - cho biết đại dịch COVID-19 gây nên nhiều khó khăn, trong đó ngành quảng cáo cũng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, năm 2021, sở đã tiếp nhận khoảng 2.200 hồ sơ, thông báo quảng cáo do doanh nghiệp gửi đến, giảm 26% so với năm trước.
Dù vậy, một điểm tích cực là sau đợt giãn cách vừa qua, lượng hồ sơ tiếp nhận đã tăng trở lại, thể hiện sự phục hồi sau đại dịch của ngành quảng cáo tại TP. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, sở cũng tinh gọn thủ tục, cho phép nộp hồ sơ trực tuyến.
Đại diện Câu lạc bộ Quảng cáo ngoài trời TP.HCM, ông Nguyễn Quang Nhựt (chủ nhiệm) cho biết theo thống kê, tổng ngân sách quảng cáo tại Việt Nam ước tính đạt 1,5-2 tỉ USD/năm. Riêng lĩnh vực quảng cáo ngoài trời chiếm khoảng 20% doanh thu (chưa tính doanh số tại các cửa hàng, cửa hiệu…).
Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của đại dịch, đặc biệt trong thời gian nhiều tỉnh/thành giãn cách xã hội, ước tính doanh số quảng cáo ngoài trời đã suy giảm 30-40% so với trước dịch.
Bước sang quý 4-2021, tỉ lệ lên bảng dù thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng có sự hồi phục so với quý trước. Năm nay khi nhiều người dân có nhu cầu ở lại TP.HCM đón Tết Nguyên đán, ngành quảng cáo ngoài trời dự kiến sẽ có sự chuyển dịch, tập trung tại các tuyến đường, trung tâm thương mại... thay vì ở các bến xe, sân bay như trước.
Bà Trần Thị Thanh Mai - Giám đốc điều hành Kantar Việt Nam - chia sẻ theo nghiên cứu năm 2021, ngành quảng cáo toàn cầu tăng 16%, sang năm 2022 dự đoán tăng 25%. Dù gặp nhiều thách thức, nhưng tại Việt Nam ngành quảng cáo ngoài trời vẫn có nhiều tiềm năng phát triển.
Nhân sự kiện này, nhiều doanh nghiệp quảng cáo cũng đặt vấn đề liên quan đến tiến độ phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời ở TP.HCM.
Đại diện Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM, ông Trần Thanh Vương cho biết, hội đồng chuyên môn sẽ có cuộc họp. "Lần này hy vọng quy hoạch quảng cáo ngoài trời ở TP.HCM sẽ được phê duyệt", ông Vương nói.
Dự kiến khi quy hoạch được phê duyệt, người dân có thể xem thông tin về vị trí, kích thước biển bảng quảng cáo trên app (ứng dụng) một cách thuận tiện.
Dù vậy, ông Vương cũng nhìn nhận, gần 16 năm nay thành phố không có quy hoạch quảng cáo ngoài trời, tồn tại nhiều trụ bảng, vị trí quảng cáo chưa được chỉn chu. Khi TP công bố quy hoạch, rất cần sự chung tay hợp tác của doanh nghiệp để giải quyết, trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật, bao gồm Luật quảng cáo, Luật xây dựng...
Việc Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp quảng cáo được tiếp cận, áp dụng đầy đủ, bình đẳng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như doanh nghiệp của các ngành nghề khác, cũng đang mở ra hy vọng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời có thể sớm hồi phục.
Đáng chú ý, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị những giải pháp cấp bách như: Xem xét cho các doanh nghiệp quảng cáo được miễn giảm thuế thu nhập, thuế đất, cho vay vốn ưu đãi và đặc biệt là sớm dỡ bỏ các hạn chế giao thương để các doanh nghiệp nối lại chuỗi thời gian đứt gãy, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, Hiệp hội đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp được giảm, gia hạn thuế và miễn tiền lệ phí quảng cáo năm 2020-2021. Đồng thời, được gia hạn thuê miễn phí một năm đối với các bảng thuê đất của Nhà nước để bù cho thời gian mất khách do dịch bệnh gây ra.