Kỹ thuật xây dựng là ngành học đào tạo ra đội ngũ kỹ sư xây dựng có khả năng tư vấn, thực thi, giám sát, thiết kế và nghiệm thu công trình. Trong đó, bao gồm các công trình của nhà nước như đường cầu, cơ sở vật chất công cộng. Ngoài ra kỹ sư xây dựng còn làm các công trình cho doanh nghiệp cá nhân.
Ngành Kỹ thuật xây dựng có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau. (Ảnh minh họa)
Học ngành kỹ thuật xây dựng ra trường làm gì?
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, đến cuối năm 2025, khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam với dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ việc làm trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, dệt may, chế biến thực phẩm,... Do đó, cơ hội việc làm với ngành kỹ thuật xây dựng rất rộng mở.
Hiện công việc của kỹ sư xây dựng được chia thành ba nhóm chính: ngoài công trường, trong công xưởng và trong văn phòng.
Đối với công việc ngoài công trường, người lao động sẽ phải thực hiện những công việc liên quan đến triển khai, thi công sản phẩm xây dựng, bao gồm: kỹ sư phụ trách thiết kế, thi công, giám sát, thẩm định, nghiệm thu công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Vị trí làm việc trong công xưởng, bao gồm những vị trí việc làm sau: kỹ sư giám sát nội bộ, kỹ sư quản lý chất lượng.
Đối với công việc trong văn phòng, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật xây dựng có thể làm chuyên viên tư vấn, lập dự toán, thiết kế kỹ thuật, thẩm tra thiết kế tại các công ty, tập đoàn xây dựng hoặc giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ quan nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành xây dựng.
Một số trường tuyển sinh ngành kỹ thuật xây dựng
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia ngành Kỹ thuật xây dựng thành nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Hệ thống kỹ thuật trong công trình, Địa kỹ thuật công trình và kỹ thuật địa môi trường, Kỹ thuật trắc địa và địa tin học, Kết cấu công trình, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật công trình thủy, Kỹ thuật công trình năng lượng, Kỹ thuật Công trình biển, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng. Điểm chuẩn của các chuyên ngành này dao động từ 17 - 21,2 điểm.
Trường Đại học Giao thông vận tải xét ngưỡng điểm chuẩn ngành Kỹ thuật xây dựng năm 2023 theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 22 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00, A01, D01, D07. Trong khi đó, điểm chuẩn phương thức học bạ là 24,59 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển tương tự. Học phí ngành Kỹ thuật xây dựng là 415.800 đồng/tín chỉ, dự kiến mỗi năm học phí tăng không quá 10%.
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia ngành Kỹ thuật xây dựng thành 3 chuyên ngành đào tạo chính với mức điểm chuẩn lần lượt là: Xây dựng dán dụng và công nghiệp 20,02 điểm, Xây dựng công trình ngầm đô thị 21,3 điểm và Quản lý dự án xây dựng 22,5 điểm với. Năm 2023, trường xét tuyển theo 4 tổ hợ môn A00, A01, D01, D07.
Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng tuyển sinh ngành Kỹ thuật xây dựng theo 2 phương thức: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ. Năm 2023, với phương thức xét tuyển điểm thi, ngành này lấy mức điểm chuẩn trúng tuyển là 17 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00, A01, B00, D01. Phương thức xét học bạ lấy 19 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển tương tự.
Trường Đại học Công nghệ TP.HCM lấy ngưỡng điểm chuẩn đối với ngành Kỹ thuật xây dựng là 16 điểm, với 4 tổ hợp môn thi A00, A01, C01, D01. Ngoài xét tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào ngành Kỹ thuật xây dựng của trường bằng phương thức xét kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và xét tuyển học bạ. Mức học phí dự kiến của năm học 2023 - 2024 dao động từ 16-18 triệu đồng/học kỳ.
Trường Đại học Xây dựng Miền Tây xét tuyển ngành Kỹ thuật xây dựng với 4 tổ hợp môn A00, A01, B00, D01. Năm 2023, điểm chuẩn của ngành này là 15 điểm. Trong khi đó, năm 2022, trường lấy ngưỡng điểm chuẩn thấp hơn 1 điểm - 14 điểm. Học phí ngành Kỹ thuật xây dựng là 492.000 đồng/tín chỉ/học kỳ, trong đó một học kỳ sinh viên sẽ phải học 12 tín chỉ.