“Chúng tôi nhìn thấy chúng thường xuyên, nhưng số lượng không nhiều”, Bruce Robison, nhà khoa học cấp cao của Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey (MBARI), nói với Live Science.
Các nhà nghiên cứu điều khiển một phương tiện vận hành từ xa có tên là Doc Ricketts, phát hiện ra con mực dâu tây (hay còn gọi là Histioteuthis heteropsis) ở hẻm núi Monterey ngoài khơi California. Theo MBARI, hẻm núi này là nơi sinh sống của rất nhiều loài sinh vật biển, một trong những hẻm núi ngầm sâu nhất ở Bờ Tây nước Mỹ.
Video: Vẻ đẹp bí ẩn của mực dâu tây với đôi mắt kỳ lạ (Nguồn: MBARI)
“Trong chuyến lặn biển sâu gần đây, nhóm của chúng tôi đã bắt gặp một trong những cư dân đáng chú ý nhất của vùng chạng vạng của đại dương, đó là mực dâu tây. Chúng tôi đã phát hiện ra nó ở độ sâu 725m tại hẻm núi Monterey”, MBARI chia sẻ trên Twitter.
“Mực dâu tây có một mắt to và một mắt nhỏ. Đôi mắt này giúp loài mực săn tìm thức ăn trong vùng chạng vạng của đại dương”, MBARI cho biết thêm.
Mực dâu tây vốn được sinh ra với hai mắt có kích thước bằng nhau. Nhưng khi chúng phát triển, mắt trái tăng kích thước và khi trưởng thành, mắt trái có thể lớn hơn gấp đôi mắt phải.
Đối với những động vật trên cạn, màu sắc rực rỡ giúp chúng nổi bật hơn. Nhưng đối với mực dâu tây, màu đỏ tươi thực sự giúp chúng ẩn mình dưới đáy đại dương. “Ở đáy đại dương, màu đỏ thẫm thực sự giống như màu đen và giúp những con mực thoát khỏi sự rình rập của những kẻ săn mồi như cá heo, cá mập, cá kiếm,…”, MBARI cho biết.
Mực dâu tây được đặt tên như vậy không chỉ vì chúng có màu đỏ, mà vì chúng có những đốm đen trên cơ thể màu đỏ, trông giống như những quả dâu tây. Những đốm này thực chất là photophores, cơ quan tạo ra ánh sáng thông qua phản ứng hóa học hoặc thông qua các vi khuẩn phát sáng cộng sinh.
Mực dâu tây sử dụng những đốm này để phản chiếu ánh sáng của chính mình, nghĩa là chúng sử dụng ánh sáng này để hòa vào môi trường xung quanh như một hình thức ngụy trang. Điều này giúp mực dâu tây tránh khỏi những kẻ săn mồi có thể nhìn thấy chúng trong bóng tối.