Trong cuộc họp báo ngày 15/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói nếu Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, nước này sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” của Moskva. Nga sẽ xem Washington như là một bên tham gia cuộc xung đột, Reuters đưa tin.
Bà Zakharova nhấn mạnh rằng Nga có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình.
"Nếu Mỹ quyết định cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, họ sẽ vượt qua lằn ranh đỏ và trở thành bên tham gia trực tiếp vào xung đột. Nga vẫn bảo lưu quyền phòng vệ lãnh thổ của mình, chúng tôi sẽ phải đáp trả tương xứng nếu kịch bản này xảy ra", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói.
Mỹ vẫn để ngỏ khả năng chuyển các tên lửa ATACMS thuộc hệ thống HIMARS cho Ukraine. (Ảnh: Lockheed Martin)
Trước đó, Lầu Năm Góc không ngần ngại công khai việc chuyển giao các rocket dẫn đường thuộc hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS cho Ukraine, loại đạn rocket này có thể tấn công chính xác các mục tiêu từ khoảng cách hơn 80 km.
Các quan chức Mỹ cũng từng nhiều lần khẳng định rằng Ukraine đã cam kết sẽ không sử dụng tên lửa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Các hệ thống HIMARS ngoài đạn rocket dẫn đường còn có thể triển khai tên lửa chiến thuật ngắn ATACMS với tầm bắn lên tới 300 km.
Gần đây khi được các phóng viên hỏi về việc Kiev đã có ATACMS hay chưa, các quan chức quốc phòng Ukraine đều từ chối trả lời.
Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Đại tướng Valeriy Zaluzhny và nghị sĩ Mykhailo Zabrodskyi hôm 7/9 có bài viết chung đăng trên hãng thông tấn nhà nước Ukrinform, đề cập “những nỗ lực thành công của quân đội Ukraine trong việc đưa các hành động thù địch đến bán đảo Crimea”. Đây là lần đầu tiên Ukraine thừa nhận đứng sau các cuộc tập kích vào căn cứ Nga ở Crimea thời gian qua.
Dù vậy vẫn chưa có lời giải thích đầy đủ nào được đưa ra về vụ tấn công ngày 9/8 vào căn cứ không quân Saki của Nga trên bán đảo Crimea, cách lãnh thổ gần nhất do Ukraine kiểm soát ít nhất 200km, ngoài tầm bắn của đạn M31 được các hệ thống HIMARS Ukraine sử dụng hiện nay.