Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nga: Phương Tây 'hết bài' gây áp lực lên Moskva

(VTC News) -

Nga tìm cách vô hiệu hóa các đòn trừng phạt dồn dập của phương Tây nhằm vào nước này sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, các nước phương Tây đang cạnh tranh với nhau để thực hiện bước đi chống lại Nga song họ đang hết dần biện pháp để gây áp lực lên Moskva.

"Có thể thấy rằng các nước EU và nhiều quốc gia Bắc Mỹ đang cạnh tranh với nhau để thực hiện biện pháp không thân thiện chống lại Nga. Tuy nhiên, họ đang hết dần các biện pháp để gây áp lực lên chúng tôi", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói, bình luận về việc Phần Lan có ý định dừng cấp thị thực Schengen đối người Nga.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov.

Ông Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga sẽ phản ứng mạnh mẽ và có hành động trong trường hợp Phần Lan hạn chế cấp thị thực cho người Nga. Tuy nhiên, Moskva hy vọng sáng kiến ​​như vậy sẽ không được thực hiện. 

"Phản ứng của Nga sẽ là tiêu cực. Đến nay, ý tưởng này vẫn chưa được thực hiện, chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không được thông qua. Tất nhiên, bất kỳ hoạt động nào như vậy liên quan đến công dân Nga sẽ kích hoạt các biện pháp đáp trả từ Moskva", người phát ngôn điện Kremlin cho biết.

Theo người phát ngôn điện Kremlin cho hay, phản ứng của Moskva đối với quyết định như vậy của Phần Lan sẽ là "dễ hiểu".

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, phương Tây liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Moskva trên nhiều lĩnh vực. Điều này được cho là nguyên nhân khiến cho thị trường năng lượng và hàng hóa biến động với giá cả liên tục gia tăng, cũng như kìm hãm tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Gã khổng lồ năng lượng Nga - Gazprom, liên tục giảm lưu lượng vận chuyển khí đốt qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1 tới Đức, với các lý do liên quan đến vấn đề kỹ thuật, vận hành.

Những sự kiện này làm dấy lên lo ngại khắp châu Âu rằng Nga có thể cắt khí đốt hoàn toàn, khiến các nước châu Âu phải công bố các biện pháp khẩn cấp. Theo đó, hôm 26/7, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí về kế hoạch khẩn cấp tự nguyện giảm tiêu thụ khí đốt. Kế hoạch khẩn cấp yêu cầu tất cả các nước thành viên EU cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.

Trước đó, hôm 20/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một quy định mới về việc phối hợp giảm sử dụng khí đốt trong toàn khối để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt Nga và ngăn chặn sự tăng vọt của giá cả.

Châu Âu đã đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu sau khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Điều này đã dẫn đến sự gián đoạn về nguồn cung khí đốt và giá năng lượng tăng vọt. 

Ngoài ra, các biện pháp cấm vận năng lượng Nga tạo sự chia rẽ sâu sắc trong khối này bởi một số nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Moskva.

Kông Anh

Tin mới