Trước thông tin cuộc xâm nhập xuyên biên giới của Ukraine vào vùng Kursk của Nga đã phá hỏng cuộc đàm phàn bí mật giữa hai nước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 18/8 khẳng định Moskva và Kiev không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán "trực tiếp hay gián tiếp" nào.
Hôm 17/8, tờ Washington Post đưa tin rằng Nga và Ukraine chuẩn bị cử các phái đoàn đến Qatar trong tháng này để đàm phán một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng và điện của cả hai bên tham chiến.
Tờ báo của Mỹ cho biết thỏa thuận này tương đương với lệnh ngừng bắn một phần nhưng các cuộc đàm phán đã bị hủy bỏ do Ukraine tấn công vào lãnh thổ của Nga.
"Không ai làm hỏng bất cứ điều gì vì chẳng có gì để làm hỏng", bà Zakharova nói, giải thích rằng hai bên chưa thảo luận về bất kỳ “chế độ an ninh” nào cho các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Bà Zakharova nói thêm rằng các mối đe dọa đối với các cơ sở năng lượng như nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhzhie và Kursk đến từ Kiev chứ không phải Moskva.
Binh sĩ Nga đứng gác gần nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở Đông Nam Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Moskva và Kiev không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào kể từ mùa xuân năm 2022, ngoại trừ các cuộc trao đổi tù nhân do các bên trung gian thứ ba tạo điều kiện.
Các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức trong những tháng đầu của cuộc xung đột đã sụp đổ sau khi Kiev rút lui vì những gì Moskva tuyên bố là sự can thiệp của phương Tây.
Phía Nga cho biết Ukraine đã có "mọi cơ hội" để giải quyết xung đột thông qua đàm phán. Moskva nhiều lần tuyên bố rằng họ sẵn sàng tham gia đàm phán bất cứ lúc nào miễn là tình hình thực tế được xem xét.
Kiev đã cấm mọi cuộc đàm phán với giới lãnh đạo Nga hiện tại ở cấp quốc gia thông qua một sắc lệnh của tổng thống được ký vào năm 2022.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022 và hiện đang kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine hôm 6/8 phát động cuộc tấn công xuyên biên giới vào khu vực Kursk. Đây là cuộc xâm nhập quân sự đầu tiên vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến 2.