Những bình luận này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ việc các phi công Ukraine được đào tạo sử dụng tiêm kích F-16, đảo ngược lập trường trước đó của ông.
Các tiêm kích F-16 được coi là phương tiện chiến đấu tiên tiến với tầm hoạt động 800 km và sẽ là sự nâng cấp đáng kể so với những tiêm kích đang được sử dụng trong các phi đội hiện nay của Ukraine.
Tiêm kích F-16. (Ảnh minh họa: CNN)
Phản ứng trước động thái trên, ông Alexander Grushko cho biết: "Chúng tôi thấy rằng các nước phương Tây vẫn đang tham gia vào kịch bản leo thang căng thẳng".
"Điều đó sẽ gây ra những rủi ro to lớn cho chính họ. Trong bất kỳ trường hợp nào, điều này sẽ được cân nhắc trong tất cả kế hoạch của chúng tôi và chúng tôi sử dụng mọi phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu".
Tuần trước, Anh và Hà Lan được cho là đang xây dựng một "liên minh quốc tế" nhằm hỗ trợ Ukraine nhận được tiêm kích F-16.
Từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chật vật trong việc kêu gọi phương Tây hỗ trợ tiêm kích F-16 bởi các nước này lo ngại chúng có thể được sử dụng trên lãnh thổ Nga, có nguy cơ gây ra sự leo thang căng thẳng giữa NATO và Moskva.
Sau khi cho rằng Ukraine không cần đến tiêm kích trên vào đầu năm 2023, Tổng thống Biden đã đảo ngược lập trường phản đối bằng cách "bật tín hiệu" với các đồng minh châu Âu rằng họ sẽ cho phép xuất khẩu F-16 sang Ukraine.