“Vấn đề không phải ở việc họ sao chép công nghệ... Mà ở chỗ họ làm việc này một cách trắng trợn” - nhà phân tích Dave Makichuk của tờ Asia Times mô tả sự phẫn nộ của Nga với việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ.
Gã khổng lồ công nghệ nhà nước Nga, Rostec, đề cập về nhiều trường hợp sao chép trái phép các thiết bị quân sự của Nga ở nước ngoài. “Tình hình phức tạp đang diễn ra với việc sao chép trái phép các công nghệ của chúng tôi ở nước ngoài: trong vòng 17 năm trở lại đây – hơn 500 trường hợp sao chép như vậy. Chỉ tính riêng ở Trung Quốc: động cơ máy bay, máy bay Sukhoi, tiêm kích trên hạm, hệ thống phòng không, MANPADS (hệ thống tên lửa phòng không vác vai), phiên bản tương tự ‘Pantsir’ – tất cả đều bị sao chép” - ông Evgeny Livadny, Giám đốc Dự án Sở hữu trí tuệ của tập đoàn nhà nước Rostec cho biết.
“Một lần thể hiện sự không hài lòng một cách công khai hiếm hoi trong quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh” - nhà phân tích của Asia Times cho biết. Và điều này diễn ra ở giai đoạn giao thương tích cực trong lĩnh vực vũ khí giữa hai nước.
Nga đã bán 6 hệ thống phòng không S-400 và 24 máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc vào năm 2015 với giá 5 tỷ USD. (Ảnh: Military Watch Magazine)
Theo Viện nghiên cứu các vấn đề thế giới Stockholm, từ năm 2014 đến năm 2018, Nga là nhà cung cấp thiết bị quân sự lớn nhất đối cho Trung Quốc, chiếm 70% số vũ khí nhập khẩu của Bắc Kinh, bao gồm cả những loại tiên tiến nhất như hệ thống phòng không S-400.
Ông Makichuk tin rằng, mặc dù Matxcơva không hài lòng với Bắc Kinh về hành vi trộm cắp công nghệ, nhưng việc cắt giảm nguồn cung quốc phòng là điều khó có thể xảy ra. Theo các chuyên gia, vì các lý do địa chính trị và kinh tế, việc Nga tiếp tục giao dịch và lờ đi vấn đề sao chép công nghệ sẽ là có lợi hơn.
Cụ thể, ông Andrei Frolov, tổng biên tập tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” của Nga, nhấn mạnh: “Luôn luôn là tệ khi ai đó sao chép vũ khí của bạn mà không được phép. Nhưng tôi nghĩ, sẽ thật đúng đắn khi nói rằng, chừng nào Nga còn tiếp tục hợp tác quân sự với Trung Quốc, thì điều này không quá quan trọng”.
Tác giả bài báo lưu ý, Bắc Kinh vốn thực hiện việc sao chép các công nghệ quân sự của Nga từ lâu nay. Ngay từ những năm 1990, Trung Quốc mua máy bay chiến đấu Su-27 và hệ thống phòng không S-300 – trên cơ sở đó, nước này chế tạo ra phiên bản của riêng mình: máy bay chiến đấu J-11 và hệ thống tên lửa HQ-9.
Theo Giám đốc Dự án An ninh châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chính trị Nga (PIR), ông Vadim Kozyulin, tất nhiên, nhiều đại diện của ngành quốc phòng Nga không thích hành vi này của Trung Quốc. Và Matxcơva thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sao chép công nghệ của nước này. Ví dụ, Nga yêu cầu Trung Quốc phải mua vũ khí theo lô lớn, thay vì chỉ một số đơn vị nhỏ lẻ - dấu hiệu chắc chắn rằng, các nguyên mẫu mua về được dùng để nghiên cứu sao chép. Ngoài ra, Nga cũng yêu cầu để điều khoản cấm sao chép được đưa vào các hợp đồng. Tuy nhiên, theo ông Kozyulin, tất cả những điều này dù sao vẫn không giúp được gì nhiều trong việc giải quyết vấn đề.
Nếu như vào giữa những năm 2000, vì lo sợ bị đánh cắp công nghệ, doanh số bán vũ khí của Nga cho Trung Quốc giảm, sau cuộc khủng hoảng Ukraine và sự gia tăng căng thẳng giữa Matxcơva và phương Tây, hợp tác quân sự giữa Kremlin và Bắc Kinh lại một lần nữa được hồi sinh. Theo ông Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ngày nay đối với Nga, việc sao chép của Trung Quốc là cái giá mà Matxcơva buộc phải trả cho việc hợp tác với Bắc Kinh.
“Đây là vấn đề phổ biến cho tất cả các công ty hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa từng có tiền lệ nào mà việc sao chép công nghệ buộc ai đó phải rời khỏi thị trường Trung Quốc, thị trường có lợi nhuận cao nhất thế giới” - ông Kashin nhận xét.
Chuyên gia cũng cho biết thêm rằng, Nga không thấy mối đe dọa quá lớn trong việc sao chép, bởi điều đó thường cũng sẽ làm mất không ít thời gian hơn mấy so với việc phát triển các công nghệ mới, và trong khi đó Matxcơva có thể lấy tiền của Trung Quốc và đầu tư vào các dự án mới. Bằng cách đó, Nga vẫn sẽ có thể duy trì ưu thế công nghệ của mình.
Ngoài ra, một phần nỗi lo của Matxcơva về vũ khí của Bắc Kinh đã bị xua tan bởi sự hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Theo ông Kashin, Nga nhận thấy rằng, Trung Quốc đang giảm dần lực lượng mặt đất và tăng cường các hạm đội - điều này cho thấy, việc tăng cường sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trước hết là nhằm vào Mỹ và các đồng minh.
Tuy nhiên, khi tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc mạnh lên, theo chuyên gia, việc đề xuất với Bắc Kinh một điều gì đó mới sẽ trở nên khó khăn hơn, do đó, có lẽ trong tương lai, Nga sẽ tập trung vào lĩnh vực phát triển chung.