Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Ngã ngựa' đau đớn, tỷ phú kim cương thành tội phạm trốn chui trốn nhủi

Từ một tượng đài trong giới kim hoàn toàn cầu, "vua kim cương"Nirav Modi trở thành tội phạm lừa đảo, trốn chui trốn nhủi.

Với nhiều người kim cương là sự vĩnh cửu vượt thời gian nhưng với tỷ phú Nirav Modi, nó chính là thứ thay đổi nhanh chóng nhất, trở thành "mồ chôn" tất cả tham vọng và thành tựu của ông này."Bad Boy Billionaires: India", một loạt phim tài liệu điều tra trên Netflix đã gây tiếng vang lớn khi lột trần bộ mặt thật của những tỷ phú nắm trong tay huyết mạch kinh tế của đất nước với khối tài sản khổng lồ không thể đếm xuể.

Nếu như Vijay Mallya, vị tỷ phú với biệt danh "Ông hoàng ăn chơi" tự chôn mình ở hãng bay lạc thú thì tỷ phú Nirav Modi, đại gia kim cương nức tiếng khắp chốn lại phá vỡ một chân lý đã tồn tại từ bao đời nay: "Kim cương không phải là vĩnh cửu".

Tượng đài của đế chế kim cương

Mở đầu phim tài liệu về đại gia kim cương Nirav Modi, Netflix đã trích dẫn câu nói của vị tỷ phú này liên quan đến "chữ tín": "Một thợ kim hoàn quan trọng nhất là chữ tín đúng không? Bởi khi một người trả cả núi tiền cho trang sức, thương hiệu phải thể hiện được chữ tín". Ấy vậy mà Nirav lại chà đạp lên hai chữ mà ông ta từng rất coi trọng này.

Nirav Modi có xuất thân vô cùng hoàn hảo, tạo tiền đề thuận lợi để vị tỷ phú này tạo ra thương hiệu của riêng mình. Trong một cuộc phỏng vấn, Nirav Modi từng nói khi giới thiệu về gia thế hiển hách của bản thân: "Ông và cha tôi đều làm thợ kim hoàn. Tôi là thế hệ thứ 3. Mẹ tôi là nhà thiết kế nội thất. Tôi được tiếp cận với kim cương và nghệ thuật từ khi còn rất nhỏ".

 Nirav Modi, hiện 50 tuổi, trong mắt nhiều người là một đại gia kim cương có "tầm nhìn cho một thương hiệu trang sức quốc tế", "tính cách gan dạ, bản lĩnh", "làm mọi việc đều chính xác". Nirav Modi đã thành công trong việc xây dựng một vỏ bọc hào nhoáng với các sản phẩm đẳng cấp và nhanh chóng gây dựng được tên tuổi của mình, trở thành một tượng đài trong giới kim cương. 

Nirav Modi.

Nirav Modi xuất thân từ một gia đình kim hoàn truyền thống Guajarati. Ngành nghề chính của họ là cắt, đánh bóng và gia công kim cương thô. "Đó là một thế giới khép kín và tách biệt với thế giới bên ngoài. Nó tồn tại nhờ danh dự và lòng tin", Samantha Subramanian, nhà văn kiêm nhà báo tài chính Ấn Độ cho biết.

Surat được xem là thành phố kim cương của thế giới, kim cương thô được khai thác từ châu Phi, Nga, Úc... Sau đó, chúng sẽ được đánh bóng ở các nhà máy tại Surat. Có xấp xỉ 1 triệu người làm việc trong ngành kim cương ở đây. Gần 90% kim cương trên thế giới được đánh bóng ở Surat và sau đó kim cương sẽ được xuất đi khắp nơi từ đây.

Đây là một ngành có mối liên kết chặt chẽ, nó dựa trên chữ tín, quan hệ huyết thống, gia đình và đó là cách Nirav Modi bước chân vào giới kim cương. Người đàn ông này đã theo chân chú mình, ông Mehul Choksi, cũng là một thợ kim hoàn để học hỏi.

"Tôi mang ơn chú mình rất nhiều. Chú tôi vô cùng tốt bụng và là nguồn cảm hứng vĩ đại. Tôi làm cho chú 10 năm và mọi thứ tôi biết đều do chú dạy dỗ", Netflix trích câu trả lời phỏng vấn của Nirav Modi.

Tuy nhiên, Mehul Choksi lại là nỗi nhục của giới kim cương Ấn Độ khi ông ta nổi tiếng là một người ranh ma, mang rất nhiều khoản nợ, vướng vào nhiều vụ kiện cáo gian lận, tham nhũng hay rửa tiền... Năm 1999, Nirav Modi tách khỏi chú mình và thành lập Firestar Diamond với tham vọng sẽ thành công hơn chú mình. Vào thời điểm đó, công ty trang sức của Nirav Modi tuyển từ 1.800 đến 2.000 nhân sự.

Mehul Choksi là nỗi nhục của giới kim cương.Để xây dựng đội ngũ công ty vững mạnh, Nirav Modi tạo ra nhiều ưu đãi cho các nhân viên như có nhà hàng phụ cấp, có nhà trẻ và cả bác sĩ túc trực, lương lậu sòng phẳng. Nirav Modi ghi điểm khi gần gũi với người lao động nghèo, không tỏ ra ngạo mạn, ra vẻ một ông chủ lớn. Vị tỷ phú này hay tâm sự với các nhân viên và được coi như một "vị thần".

Từ đây, Nirav còn được gọi là "vua kim cương".

Tham vọng vươn ra toàn cầu 

Đánh bóng kim cương là lĩnh vực cần rất nhiều lao động nhưng lại cho lợi nhuận thấp. Do đó, chỉ khi đánh bóng càng nhiều thì mới mong thu lại được lợi nhuận như mong muốn. Thiết kế, kinh doanh và bán lẻ đồ trang sức cao cấp mới là mảng mang lại lợi nhuận cao. Đây chính là điều mà Nirav nhắm tới. Vị tỷ phú này nhận ra rằng cần phải có một lối đi riêng, làm điều mà chưa một thợ kim hoàn nào trước đó làm được.

Và đó chính là việc cần phải xây dựng một thương hiệu cao cấp. 

Năm 2010, Nirav bắt đầu nghiên cứu các thương hiệu tại Hongkong và thị trường châu Á. Ông ta tìm hiểu về việc loại trang sức nào được ưa chuộng và làm thế nào để được giá bán cao nhất. Nirav Modi quyết định thiết kế một chiếc dây chuyền đính kim cương đến từ các mỏ Golconda nổi tiếng ở Nam Ấn Độ để đưa ông đến một tầm cao mới. 

Vẻ đẹp hoàn mỹ của dây chuyền Golconda.Golconda là nơi tạo ra những sản phẩm kim cương hoàn mĩ nhất. Nhiều viên kim cương lớn, sáng và đẹp nhất đều xuất thân từ Golconda. Chiếc dây chuyền được thiết kế với hình ảnh "hoa sen" khi ra mắt đã ngay lập tức gây được sự chú ý và được lên trang bìa danh mục đấu giá Christie. Nirav Modi là thợ kim hoàn Ấn Độ đầu tiên sở hữu sản phẩm thiết kế được lên trang bìa đấu giá và sợi dây chuyền được bán với giá hơn 3 triệu USD. Người mua là một doanh nhân Đài Loan đã khiến tên tuổi của vị tỷ phú này ngày một vang xa.

Tuy nhiên, tham vọng của Nirav Modi chưa dừng lại ở đó. Tỷ phú Nirav Modi muốn đưa trang sức Ấn Độ vươn tầm thế giới, phủ khắp toàn cầu. 

"Vua kim cương" tuyển rất nhiều nhân tài và để mặc họ thả sức sáng tạo. Nirav muốn mang một làn gió mới tới trang sức, không chỉ đem di sản, hình ảnh của Ấn Độ ra ngoài thế giới mà vị tỷ phú này còn muốn nó mang sức sống của phụ nữ Ấn Độ hiện đại. 

Trang sức mà Nirav tạo ra đẹp hoàn hảo. Ông được biết đến là người có khiếu thiết kế rất tốt, luôn hứng thú với công việc và phá bỏ giới hạn của tay nghề. "Vua Kim cương" luôn yêu cầu các nhân viên phải dành toàn bộ tâm huyết trong từng sản phẩm, chậm mà chắc, không cần chạy đua tiến độ, chất lượng mới là ưu tiên hàng đầu.

Khi thương hiệu được mở rộng, chẳng có ai thắc mắc một công ty tư nhân như thế huy động vốn bằng cách nào?

Hố chôn mang tên "Thư đảm bảo"

Đầu năm 2011, Nirav mở rộng thêm đế chế của mình và nhận ra ông cần cách thức huy động vốn mới. Ông ta bắt đầu nhận nhiều khoản vay từ ngân hàng Nhà nước Punjab. Để được vay, Nirav sử dụng một công cụ tài chính độc đáo của Ấn Độ là "Thư đảm bảo". Pavna Lall, một tác giả từng viết về "vua kim cương" giải thích rằng: "Thư đảm bảo về cơ bản là văn bản một ngân hàng nhà nước đưa cho bạn để bạn lấy tín dụng từ một ngân hàng nước ngoài".

Đây là một cách huy động vốn nước ngoài mà không phải trả một khoản phí chuyển đổi. Bởi đó là một cách nhập tiền USD hoặc bảng Anh tương đối rẻ, nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng cách này. Khi bạn có thư đảm bảo, bạn phải cung cấp tài sản thế chấp. Việc Nirav không làm là cung cấp tài sản thế chấp cho ngân hàng.

 Cách ông ta né tránh việc đó mà không bị truy cứu là hối lộ nhân viên ngân hàng nhà nước Punjab. Về cơ bản, ông ta được rút tiền miễn phí. Có tiền, Nirav chi mạnh cho quảng cáo và tài trợ các sự kiện. Trang sức của Nirav đã nhanh chóng trở thành biểu tượng, một đồ dùng không thể thiếu. Người tiêu dùng từng tự hào nói rằng: "Đây là đồ của Nirav Modi". Ông ta đã định hướng thị hiếu của Ấn Độ lúc bấy giờ.

Ami Modi, vợ của "Vua kim cương" là một nhân vật thú vị. Người phụ nữ này xuất thân từ một gia đình kim cương bài bản với bề dày lịch sử và có tiếng tăm ở New York. Nếu Nirav lo về tiền thì vợ ông ta lo về quan hệ xã hội. Ami Modi là người phụ nữ phù hợp nhất với các mối quan hệ có lợi cho đế chế kim cương của Nirav.

Khi tỷ phú này khai trương cửa hiệu, Ami Modi sẽ đứng ra chủ trì. Tỷ phú Nirav rất ngại đứng trước máy ghi hình và không thích sự chú ý. Ami kết bạn rất nhanh với những bà vợ giàu có ở Ấn Độ. Nếu bạn bán kim cương thì việc mở rộng quan hệ là điều quan trọng cần làm.

Vào năm 2014, khi đang trên đà phát triển, đế chế của "vua kim cương" bắt đầu có những dấu hiệu không mấy lạc quan. Các cửa hiệu trang sức ở Ấn Độ không mang lại nhiều lợi nhuận. Dư luận cũng bắt đầu lan rộng tin đồn vị tỷ phú này vay rất nhiều tiền và đang có dấu hiệu vỡ nợ. Tuy nhiên, Nirav khẳng định: "Tất cả đều là suy diễn". Đây là ngành luôn tồn tại những kẻ đố kỵ, ganh ghét khi ai đó làm một việc khác biệt.

Một trong những việc Nirav làm để đẩy mạnh đế chế của mình đó là thổi phồng giá trị kim cương bằng cách bán nó qua công cụ tài chính gọi là công ty ma. Nirav Modi lập ra các công ty ma theo tên các con mình hoặc thành viên trong gia đình trên khắp thế giới. Ông ta dùng các công ty ma để thổi phồng giá trị của kim cương, bán được giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực.

Một viên kim cương ông ta mua với giá 50 triệu USD sẽ được bán cho một công ty ma với giá 100 triệu USD rồi bán lại với giá còn cao hơn. Mỗi lần đá quý di chuyển giữa các công ty ma, giá của nó sẽ lại đội lên. Đây là cách Nirav kiếm thật nhiều tiền khi lừa dối tất cả người tiêu dùng để sống cuộc đời một tỷ phú hạng A. 

"Tôi nghĩ lý do Nirav Modi thèm khát số tiền đó là do tham vọng trở thành tượng đài quốc tế", một chuyên gia phân tích trên Netflix.

Tháng 9/2015, buổi ra mắt của Nirav ở New York rất đình đám, con trai lớn ông Donald Trump và nhiều ngôi sao Hollywood và Bollywood đều góp mặt tham dự.

"Tôi nhìn thấy giấc mơ của một người sẵn sàng làm mọi thứ để biến nó thành hiện thực, để đưa nó ra thế giới, để khiến nó sống mãi với thời gian", một người quen của "vua kim cương" nói trên Netflix.

 Cú ngã ngựa đau đớn

Nirav thực sự đang vươn ra thế giới. Vị tỷ phú này đã lựa chọn những địa điểm lý tưởng như London, Hongkong, Singapore, Hawaii... để đặt cửa hiệu sang chảnh của mình. Tới năm 2017, Nirav Modi đã dùng "thư đảm bảo" suốt gần 6 năm rưỡi. 

Vào mùa hè năm đó, một trong hai nhân viên ngân hàng nhận hối lộ của tỷ phú kim cương đã về hưu. Tháng 1/2018, đại diện của Nirav lại đến ngân hàng hỏi thêm thư bảo đảm. Họ được yêu cầu cung cấp tài sản thế chấp và đại diện của tỷ phú kim cương đáp lại vô tư rằng, họ chưa từng phải cung cấp tài sản thế chấp trước đó. 

Ngân hàng tỏ ra hoang mang với câu trả lời này và từ đó, cái kim trong bọc đã dần lòi ra. Ngân hàng phát hiện tất cả thư bảo đảm trước đó được cấp cho Nirav không có tài sản thế chấp nào. Một cuộc điều tra nội bộ đã diễn ra và phát hiện giá trị giao dịch tồn đọng lên tới 1,8 tỷ USD. Và nó đã trở thành vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngân hàng của Ấn Độ.

Nirav Modi khi trốn sang Anh.Ngay lập tức, ông "vua kim cương" trở thành tâm điểm của vụ bê bối này, các cửa hiệu của ông ta đều bị tập kích. Chỉ trong phút chốc, công ty Firestar International phải đóng cửa, toàn bộ nhân viên bị nghỉ việc đột ngột. Nirav cùng gia đình, bao gồm cả vợ ông ta đã kịp bay ra nước ngoài trước khi có lệnh bắt giữ. 

Các cáo buộc chống lại "vua kim cương" cơ bản là lừa đảo ngân hàng Nhà nước Punjab với số tiền 1,8 tỷ USD. Hai nhân viên ngân hàng liên quan trực tiếp vụ việc cũng đã bị bắt giữ. 12 tháng sau khi vụ việc bị phanh phui, Nirav vẫn đang ở ẩn, không có thông tin về chỗ ở của ông ta. 

CBI đã nhờ Interpol bắt giữ hoặc thông báo nếu gia đình Modi được phát hiện ở nước ngoài. Về sau "vua kim cương" được phát hiện âm thầm mở công ty ở Anh nhưng không có chỗ ở cố định. Vào ngày 20/3/2018, một lệnh dẫn độ đã được chính phủ Ấn Độ ban hành và thế là Nirav bị bắt. 

Vị tỷ phú vang danh một thời phải ngồi trong tù kể từ đó chấm dứt đế chế kim cương mà ông ta nghĩ rằng sẽ trường tồn mãi với thời gian. Hóa ra với Nirav, kim cương không tồn tại mãi mãi! Hay nói đúng hơn, trong tay Nirav, kim cương không có giá trị vĩnh cửu.

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống

Tin mới