“Nga sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 12/2024. Đây là biện pháp phòng ngừa theo thỏa thuận với các quốc gia tham gia thỏa thuận Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), những nước đã tuyên bố cắt giảm tự nguyện vào tháng 4”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói.
Theo Phó Thủ tướng Alexander Novak, quyết định gia hạn thỏa thuận hiện tại đến năm 2024 của các quốc gia OPEC+ cùng với việc một số quốc gia tự nguyện cắt giảm sản lượng sẽ giúp dự báo tình hình thị trường dầu trong 18 tháng tới dễ dàng hơn.
Một cơ sở khai thác dầu của Nga. (Ảnh: TASS)
Ðầu tháng 4/2023, OPEC+ thông báo tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng/ngày để phòng ngừa những bất ổn trên thị trường thế giới. Trước đó, hôm 22/10/2022, OPEC+ cũng đưa ra quyết định tương tự.
Nga bắt đầu cắt giảm sản lượng 500 nghìn thùng dầu/ngày từ tháng 3. Phó Thủ tướng Alexander Novak cho hay, đây là quyết định tự nguyện giảm sản lượng của Nga, không tham khảo ý kiến của các nước OPEC+. Điều này sẽ giúp khôi phục quan hệ thị trường.
Theo ông Alexander Novak, việc cắt giảm sẽ chỉ ảnh hưởng đến sản lượng dầu, không bao gồm khí đốt. Hạn ngạch sản xuất sẽ được phân bổ đồng đều giữa các công ty dầu mỏ tùy thuộc vào năng suất sản xuất.
Hôm 5/12/2022, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với nguồn cung dầu ngoài khơi từ Nga bắt đầu có hiệu lực. Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), EU và Australia cũng đưa ra mức giá trần đối với dầu do Nga cung cấp bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng.
Trong khi đó, các hạn chế tương tự đối với việc cung cấp các sản phẩm xăng dầu từ Nga cũng có hiệu lực từ hôm 5/2. Giá trần được áp ở mức 100 USD/thùng và 45 USD/thùng tùy thuộc loại sản phẩm từ dầu.
Theo Phó Thủ tướng Alexander Novak, việc áp giá trần dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ của Nga là sự can thiệp vào quan hệ thị trường và tiếp tục chính sách năng lượng phá hoại của các nước phương Tây.