Thời gian gần đây, Ukraine đã liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng và tuyến đường tiếp tế quan trọng của Nga tại vùng lãnh thổ ở miền Nam để gây tê liệt cho các lực lượng của đối phương. Ukraine đã tấn công hai cây cầu chiến lược gần khu vực Kherson: cầu Antonivsky và cầu đường sắt bắc qua sông Dnipro.
Truyền thông Ukraine cho biết, các cây cầu Antonivka, Darivka, cũng như một con đường bên cạnh đập của nhà máy thủy điện Kakhovka đã bị lực lượng của nước này tấn công bằng hệ thống HIMARS. Nga sử dụng những tuyến đường này để vận chuyển trang thiết bị và vũ khí hạng nặng.
Mỹ khai hỏa hệ thống HIMARS. (Ảnh: Wikipedia)
Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch của Ukraine nhằm bao vây và cuối cùng chiếm lại Kherson – thành phố cảng quan trọng, rơi vào tay Nga từ tháng 3. Là thành phố duy nhất do Nga kiểm soát ở phía Tây sông Dnipro, số phận của Kherson có thể quyết định những diễn biến sắp tới của cuộc chiến. Nếu Ukraine giành lại thành phố và vô hiệu hóa những cây cầu quan trọng thì họ có thể ngăn chặn hiệu quả các bước tiến của Nga ở hai bên bờ sông. Nhưng nếu Nga giữ được Kherson, nơi đây có thể trở thành bệ phóng cho một cuộc tấn công mới của Nga nhằm chiếm thành phố cảng Odessa.
Hiện Nga đang cố gắng chống lại hỏa lực của đối phương bằng cách thực hiện một loạt biện pháp đối phó. Không chỉ tăng cường tấn công nhằm phá hủy các hệ thống HIMARS hoặc những nhà kho chứa chúng, Moskva còn tìm cách khai thác điểm yếu của hệ thống này để “chọc mù” đối phương. Moskva đã triển khai một loạt thiết bị phản xạ radar hình chóp trong vùng nước ở phía Tây cầu Antonivsky và gần cầu đường sắt.
Sau khi được Mỹ trang bị vũ khí tầm xa như HIMARS, Ukraine đã gia tăng lợi thế tung ra các đòn phản công. Moskva cũng cáo buộc Kiev tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Trụ sở Hạm đội Biển Đen của nước này. Với sức mạnh và khả năng cơ động cao của HIMARS, nhiều vũ khí và phương tiện của Nga sẽ dễ bị tấn công hơn trên chiến trường. Nhưng hiện giờ, tình hình có thể thay đổi khi Nga nắm được điểm yếu của hệ thống này.
Cơ chế của việc sử dụng thiết bị phản xạ radar là tạo ra hình ảnh ảo bên cạnh các hình ảnh thật trên thiết bị radar vệ tinh của đối thủ. Nga đã lắp đặt các thiết bị này ở 2 địa điểm cạnh 2 cây cầu thật để tạo ra các cây cầu “ma” đánh lừa radar vệ tinh, khiến hệ thống tên lửa của đối phương dễ nhầm lẫn khi tấn công. Điều này sẽ giúp các lực lượng Nga có thời gian để sửa chữa các cây cầu thật, trong khi tránh được rủi ro từ các cuộc tấn công. Hiện tại, cách duy nhất để Moskva giữ vững thành trì tại Kherson là duy trì các tuyến tiếp tế qua sông Dnipro.
Đây không phải lần đầu tiên Nga sử dụng biện pháp đối phó này để phòng thủ trước các cuộc tấn công của Ukraine. Hồi đầu tháng 7, Moskva đã triển khai các sà lan mồi nhử có gắn radar phản xạ và thiết bị tạo khói để bảo vệ cây cầu Kerch nối Nga với Crimea.
HIMARS rất khó có khả năng nhắm bắn cây cầu Kerch mà Nga đã phòng thủ kỹ lưỡng nhưng chúng có thể tấn công các cây cầu ở Kherson một cách dễ dàng.
Sử dụng tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS) tích hợp quán tính và dẫn đường vệ tinh GPS. Điều này đã gây tổn thất lớn cho các lực lượng Nga ở Kherson. Lợi thế của HIMARS là khả năng nhắm mục tiêu chính xác trong khu vực đô thị”.
Ông Girish Linganna nói thêm: “Để đối phó với hệ thống này Nga đã triển khai các thiết bị radar phản xạ hình chóp nhằm chuyển hướng tín hiệu radar. Mặc dù các binh sỹ Ukraine có thể phát hiện mục tiêu bằng mắt thường nhưng hệ thống HIMARS tích hợp radar và thiết bị thu nhận hình ảnh vệ tinh trong thiết kế của nó lại không thể xác định rõ mục tiêu nếu bị đánh lạc hướng theo cách này. Hệ thống coi toàn bộ phần cong là một mặt phẳng. Người Nga đã khai thác một lỗ hổng kỹ thuật trong cách HIMARS vận hành để bảo vệ tuyến đường tiếp tế của họ”.
Mục đích của các thiết bị phản xạ radar hoặc các vật thể kim loại thô đôi khi gọi là bộ phản xạ góc là để đánh lừa các radar vệ tinh, khiến chúng cung cấp thông tin sai cho HIMARS, dẫn đến việc xác định nhầm và bắn trượt mục tiêu.
Chuyên gia Girish Linganna giải thích: “GMLRS sử dụng tọa độ GPS của mục tiêu và hệ thống dẫn đường quán tính của nó. Tọa độ GPS được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như vệ tinh. Các vệ tinh sử dụng radar để chọn tọa độ GPS. HIMARS không sử dụng tên lửa dẫn đường bằng radar, nhưng các hệ thống cung cấp tọa độ GPS cho nó lại sử dụng radar để dò tìm mục tiêu”.
Trong khi nhiều người đã đặt câu hỏi liệu biện pháp đơn giản như sử dụng thiết bị phản xạ radar có thực sự hiệu quả khi chống lại những vũ khí tinh vi như HIMARS hay không, thì các chuyên gia quân sự cho rằng, động thái của Nga có thể được thực hiện dựa trên ý tưởng đã được xem xét kỹ lưỡng và Moskva dường như muốn chứng minh rằng thiết bị phản xạ radar là lựa chọn thích hợp để bảo vệ các cây cầu.