Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang đối diện số nợ phải trả quá hạn lên tới 6.240 tỷ đồng, trong khi kết quả kinh doanh tiếp tục bết bát: Lỗ 4.800 tỷ đồng trong quý I và dự kiến sẽ tiếp tục lỗ khoảng 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.
Trong khi doanh nghiệp này đang cực kỳ khó khăn thì các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến khôn lường, chưa biết lúc nào chấm dứt, ngành hàng không được cho là sẽ còn vô vàn khó khăn, nhiều chuyên gia đặc biệt lo lắng và nhấn mạnh về nguy cơ phá sản của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines phá sản trong trường hợp nào?
Dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hàng không là nhóm có doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khiến các doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lỗ 4.800 tỷ đồng trong quý I năm nay. (Ảnh: VNA)
Trong đó, Vietnam Airlines đang đối mặt rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng. Giới chuyên gia cho rằng trong trường hợp dòng tiền tiếp tục suy giảm, khả năng trả nợ không còn, Vietnam Airlines hoàn toàn có thể bị phá sản.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), phá sản là tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
“Vietnam Airlines hay bất cứ doanh nghiệp nào khác, khi rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn quy định thì có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu phá sản”, ông Truyền nói.
Những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu phá sản gồm chủ khoản nợ, người lao động, người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân, lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần, cổ đông hoặc nhóm cổ đông…
“Khi có yêu cầu làm thủ tục phá sản, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định chỉ định đơn vị quản lý tài sản. Tiếp đó sẽ thống kê rà soát số chủ nợ rồi tiến hành hội nghị chủ nợ. Hội nghị chủ nợ sẽ ra quyết định phá sản hay không…”, ông Truyền cho biết thêm.
Vẫn theo ông Truyền, khi doanh nghiệp phá sản, “tài sản” doanh nghiệp sẽ được phân chia theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể, chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.
Tiếp đó là các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ…
Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoặc thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần…
Trong trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán các chi phí theo quy định thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Hệ lụy khôn lường
Đặt giả thuyết Vietnam Airlines phá sản, nhiều chuyên gia khẳng định điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy khôn lường. Bởi vậy, khi mà Vietnam Airlines đang vô cùng khó khăn, nợ lớn và ngày càng lỗ nặng thì Chính phủ phải bằng mọi cách cứu hãng bay này.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng hàng không là ngành có vai trò quan trọng với nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch COVID-19 phủ bóng đen toàn cầu, nhiều nước đã sớm đưa ra các gói hỗ trợ cho các hãng không quốc gia nhằm bảo đảm duy trì các mắt xích trong nền kinh tế không bị đứt gãy và hình ảnh quốc gia.
Với riêng Vietnam Airlines, đây là hãng bay có lịch sử phát triển lâu dài, có quy mô đủ lớn để dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng không và vươn tầm lớn mạnh trên thị trường quốc tế, đặc biệt sau khi dịch bệnh được kiểm soát, mở cửa bầu trời trở lại.
“Vietnam Airlines rất quan trọng với nền kinh tế, mạng lưới các đường bay quốc tế dày đặc, nếu phá sản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường”, ông Tống nói.
Theo báo cáo, đến hết năm 2019, Vietnam Airlines có mạng đường bay quốc tế gồm 61 đường bay đến 33 điểm thuộc 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nổi bật là Đà Nẵng – Busan (Hàn Quốc), Đà Nẵng – Bangkok (Thái Lan), TP.HCM – Bali (Indonesia), TP.HCM – Phuket (Thái Lan), Đà Nẵng – Chengdu (Trung Quốc), Hà Nội/TP.HCM – Shenzhen (Thâm Quyến), Hà Nội – Macau…
“Khi Vietnam Airlines phá sản sẽ tạo điều kiện cho hãng nước ngoài thâm nhập, giành lấy thị trường, bởi Vietjet hay Bamboo Airways chưa thể đảm đương ngay được”, ông Tống nêu nhận định.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích, Vietnam Airlines là doanh nghiệp lớn và là trụ cột của hàng không Việt Nam nên nếu phá sản sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ.
Trước hết, việc để mất thương hiệu Vietnam Airlines sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín quốc gia. Thứ nữa, cơ cấu cổ đông của Vietnam Airlines lớn nhất là cổ đông nhà nước với 86% vốn, do đó nếu Vietnam Airlines phá sản, nhà nước sẽ mất vốn lớn. Thị trường hàng không sau đó sẽ mất tính cạnh tranh và hành khách sẽ phải chịu thiệt.
Bên cạnh đó, khi Vietnam Airlines phá sản cũng sẽ phải giải quyết hàng loạt các vấn đề như tài sản, nợ đọng, chế độ cho người lao động… Các doanh nghiệp trong Vietnam Airlines Group cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.
“Những chính sách hỗ trợ cho Vietnam Airlines chưa đủ, chưa kịp thời. Doanh nghiệp đang đuối sức vì COVID-19 nên rất cần “phao cứu sinh” để có thể tồn tại và phục hồi sau dịch”, ông Ánh nhận định.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, trong năm 2020, mặc dù khó khăn vì đại dịch, VNA vẫn nắm giữ vai trò chủ lực trong vận tải hàng hóa nội địa, quốc tế bằng đường không. Hãng chuyên chở tới hơn 50% khối lượng hàng hóa đi nội địa, quốc tế được vận tải bởi các hãng bay Việt Nam.
Trong giai đoạn hàng không phát triển nóng những năm 2017-2019, Vietnam Airlines và các hãng thành viên (Pacific Airlines, VASCO) đã vận chuyển hơn 29 triệu lượt khách quốc tế đến và đi từ Việt Nam, chiếm 63% tổng lượng khách quốc tế do các hãng bay nội vận chuyển. Những con số cho thấy sự đóng góp “khổng lồ” của hãng hàng không quốc gia vào nhiệm vụ kết nối kinh tế, kết nối Việt Nam với thế giới và đảm bảo giao thương, sản xuất.
Đóng góp của hàng không vào nền kinh tế rất lớn, chính vì vậy, theo ước tính của Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA), mỗi việc làm của hãng hàng không sẽ hỗ trợ tới 24 việc làm khác trong chuỗi giá trị của ngành du lịch, lữ hành. Du lịch là ngành kinh tế có tính lan tỏa rất cao, nên lại tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ khác.
Bên cạnh đó, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, hãng hàng không quốc gia đại diện cho cả một đất nước, mang theo hình ảnh đất nước đó và đóng vai trò như một đại sứ. Tại Việt Nam, Vietnam Airlines đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá văn hoá dân tộc với biểu tượng hoa sen, áo dài, ẩm thực vùng miền…
Vietnam Airlines cũng giữ vai trò kết nối các địa phương, đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa để góp phần phát triển kinh tế vùng miền, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Với những ý nghĩa vô cùng to lớn trên, các chuyên gia đều khẳng định, không thể để hãng bay này phá sản khi phải đối diện với quá nhiều khó khăn do đại dịch gây nên. Thay vào đó, Chính phủ phải bàn tới việc hỗ trợ, cấp cứu để hãng hồi phục, tiếp tục thực hiện, sứ mệnh lớn lao của một hãng hàng không quốc gia.
Nhiều chuyên gia cho rằng hàng không là ngành chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất bởi COVID-19. Trên thế giới, các chính phủ đều hỗ trợ hàng không, trong đó có hãng hàng không quốc gia. Tuy vậy, với giải pháp tài chính, do nguồn lực của nhà nước còn hạn chế nên tránh việc cào bằng giữa các hãng hàng không mà nên tập trung cho những hãng lớn, có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, làm động lực để khôi phục cho toàn ngành.
Vietnam Airlines là doanh nghiệp mà nhà nước đang đóng vai trò là chủ sở hữu 86% vốn, đóng góp lớn cho ngân sách. Do đó việc hỗ trợ Vietnam Airlines đã được Quốc hội chấp thuận với những yêu cầu mang tính thị trường và minh bạch. Với các hãng hàng không còn lại, nhà nước có thể xem xét hỗ trợ các hãng bay này. Mức độ hỗ trợ đến đâu, hỗ trợ ra sao... cần được tính toán cẩn trọng, phù hợp.