Chia sẻ với VTC News về tiến độ giải ngân gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban truyền thông Vietnam Airlines, cho biết khoản tín dụng 4.000 tỷ đồng đang được các bên liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục.
“Chậm nhất cuối tháng 6, đầu tháng 7, gói 4.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân về Vietnam Airlines”, ông Tuấn nói.
Vietnam Airlines đang gặp khó khăn vì COVID-19. (Ảnh: VNA)
Chính phủ trước đó đã có Nghị quyết 194 đề nghị thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines vì COVID-19. Cụ thể, Chính phủ quyết nghị giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của tổng công ty để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh với số tiền tối đa không quá 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%.
Việc cho vay lãi suất tái cấp vốn không dành cho tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt. Thời hạn tái cấp vốn tối đa không quá 364 ngày. Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm. Thời gian giải ngân tái cấp vốn không được muộn hơn ngày 31/12/2021.
Trong đó, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm theo dõi riêng khoản vay theo Nghị quyết này và thỏa thuận với Vietnam Airlines về lãi suất, phí, số tiền, thời hạn, hình thức bảo đảm tiền vay... phù hợp với khả năng tài chính của ngân hàng, tài sản bảo đảm, cũng như tình hình tài chính của hãng. Chính phủ cũng giao tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm về quyết định cho vay với Vietnam Airlines và trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước đúng hạn.
Ngoài việc đồng ý cho Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn lãi suất 0%, Chính phủ cũng giao Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng các quy định theo Luật Chứng khoán và Nghị quyết 135 của Quốc hội. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc Quốc hội ban hành nghị quyết cho Vietnam Airlines được vay 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 4%/năm theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, thông qua một tổ chức tín dụng của Nhà nước và đồng ý để VNA phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỉ đồng, giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước là cơ chế bình thường.
“Quyết định này được đưa ra dựa trên tính chất Nhà nước là chủ sở hữu của Vietnam Airlines, trong khoản cho vay này, Vietnam Airlines vẫn phải trả lãi 4%, cả lãi và nợ gốc đều tính vào phần vốn góp nhà nước”, ông Kiên cho hay.
Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng Ban tài chính kế toán của Vietnam Airlines, cho biết, từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, hãng đã xoay xở nhiều cách từ giảm lương, dùng máy bay chở khách đi chở hàng, tận dụng từng chuyến bay hồi hương, đàm phán giãn nợ... để có doanh thu, không để lâm vào tình thế phá sản.
Đồng thời, Vietnam Airlines tăng cường khai thác nội địa và chuẩn bị khai thác ngay các đường bay quốc tế theo kế hoạch mở lại các chuyến bay quốc tế của Chính phủ nhằm tăng nguồn thu sản xuất kinh doanh.
Ông Hiền cũng cho hay Vietnam Airlines đề xuất vay và hỗ trợ chứ không xin ngân sách, hãng sẽ trả trong 3 năm. Tuy nhiên, thay vì trả lãi bằng tiền mặt, Vietnam Airlines sẽ quy tiền lãi ra cổ phiếu để trả cho nhà nước.
Về sử dụng tài chính từ gói giải cứu, khoản vay 4.000 tỷ đồng sẽ được Vietnam Airlines dùng để bổ sung vốn lưu động và phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 và 5 tháng đầu năm nay hàng không vô cùng khó khăn, khi nhu cầu khách giảm tới 66%, doanh thu giảm trên 61% so với cùng kỳ năm 2019 (khi chưa có dịch COVID-19. “Khả năng thanh toán của các DN hàng không suy giảm và tiến sát giới hạn mất khả năng thanh toán”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.