Theo đài RT, khoảng 200 binh sĩ Anh đã đổ bộ vào Kosovo ngày 6/10 để tăng cường cho đội quân NATO tại tỉnh ly khai của Serbia, sau vụ việc căng thẳng hồi tháng trước liên quan đến cái chết của một cảnh sát người dân tộc Albania. Một tướng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nắm quyền chỉ huy lực lượng này vào tuần tới.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO đến Kosovo. Ảnh: NATO
Các thành viên của Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn Hoàng gia của Công nương xứ Wales đã được bổ sung cho sứ mạng tại Kosovo cùng 400 binh sĩ Anh. Đầu tuần này, chính phủ Romania cũng cam kết gửi thêm 100 binh sĩ.
Khối quân sự do Mỹ dẫn đầu cho biết trong một tuyên bố: “Hoạt động triển khai này là một bước đi thận trọng để đảm bảo KFOR có lực lượng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của Liên hợp quốc nhằm duy trì môi trường an toàn và bảo đảm cũng như quyền tự do đi lại cho tất cả người dân ở Kosovo”.
Theo tuyên bố trên website chính thức của NATO, những đợt triển khai này là một bước đi thận trọng để đảm bảo KFOR có lực lượng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của Liên hợp quốc nhằm duy trì một môi trường an toàn và đảm bảo cũng như quyền tự do đi lại cho tất cả người dân ở Kosovo. Hoạt động triển khai mới dựa trên yêu cầu của Tư lệnh Đồng minh Tối cao Châu Âu của NATO và đã được các đồng minh trong khối chấp thuận.
NATO đã lãnh đạo hoạt động gìn giữ hòa bình ở Kosovo từ năm 1999 theo Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. KFOR hiện bao gồm hơn 4.500 quân do 27 đồng minh và đối tác của liên minh này đóng góp đóng góp.
RT cho biết, NATO bắt đầu gửi quân tới Kosovo vào tháng 6/1999, sau khi tiến hành cuộc không chiến kéo dài 78 ngày chống lại Serbia, nhân danh bảo vệ những người ly khai người Albania trong tỉnh này. Chính phủ lâm thời ở Pristina tuyên bố độc lập vào năm 2008, nhưng chưa được Serbia và khoảng một nửa số quốc gia trên thế giới công nhận, trong đó có Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Lãnh đạo của cả Albania và Serbia vào tuần trước đã kêu gọi KFOR đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát an ninh tại các khu vực có đa số người Serb ở phía bắc tỉnh. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết điều này tốt hơn là có cảnh sát trung thành với Lãnh đạo Kosovo Albin Kurti, người mà ông cáo buộc "khủng bố" người Serbia địa phương. Trong khi đó, Thủ tướng Albania Edi Rama cho rằng đây là cách duy nhất để ngăn chặn dân quân Serbia tấn công cảnh sát sắc tộc Albania.
Căng thẳng gia tăng sau khi khoảng 30 người Serbia được trang bị vũ khí hạng nặng đã xông vào làng Banjska phía bắc Kosovo vào ngày 24/9. Một cảnh sát Kosovo và ba kẻ tấn công đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng.
Lãnh đạo Kosovo Albin Kurti nói với hãng tin AP: “Chúng tôi cần NATO vì biên giới với Serbia rất dài và quân đội Serbia gần đây đã tăng cường năng lực của mình”.
"Những người này muốn quay ngược thời gian. Họ đang tìm kiếm cỗ máy thời gian. Họ muốn quay ngược đồng hồ về 30 năm trước. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra”, ông Kurti nói.
Lãnh đạo Kosovo đổ lỗi Belgrade đứng đằng sau “vụ tấn công khủng bố” vào Kosovo hôm 24/9. Đáp lại, Tổng thống Serbia, Vucic phủ nhận điều này, cho rằng người Serb địa phương có thể đã cầm vũ khí để đáp lại sự đàn áp của Pristina, điều mà ông cáo buộc KFOR đã dung túng.
Theo tờ Politico, tuần trước, NATO tuyên bố họ đang tăng cường hiện diện gìn giữ hòa bình ở miền bắc Kosovo do căng thẳng leo thang với nước láng giềng Serbia.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby xác nhận một “việc triển khai quân sự quy mô lớn” gồm xe tăng và pháo binh của Serbia đã có mặt ở biên giới. Ông mô tả việc tăng cường quân sự là "một diễn biến rất bất ổn" và kêu gọi Serbia rút các lực lượng này.
EU và Mỹ trong nhiều năm đã thúc đẩy việc trung gian một nền hòa bình lâu dài giữa Kosovo và Serbia, nhưng một thỏa thuận vẫn khó đạt được trong bối cảnh tiếp tục có sự chia rẽ về tình trạng của miền bắc Kosovo, nơi phần lớn dân số là người Serbia.
Chỉ huy hiện tại của KFOR, Tướng người Italy, Angelo Michele Ristuccia, nói với truyền thông Albania hôm 6/10 rằng sự hiện diện của quân đội NATO “đã ngăn chặn các sự kiện leo thang” ở Banjska. Ông dự kiến sẽ bàn giao quyền chỉ huy cho Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ozkan Ulutas vào ngày 10/10.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 600 binh sĩ trong đội quân 4.500 người của KFOR. Mặc dù Ankara xây dựng mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với Belgrade, nước này cũng đã cung cấp cho Pristina máy bay không người lái chiến đấu Bayraktar.