Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

NATO chật vật đối phó mối đe doạ từ hạm đội tàu ngầm Nga

(VTC News) -

Quân đội NATO ngày càng cảnh giác với khả năng mở rộng và hoạt động của hạm đội tàu ngầm Nga.

Mặc dù năng lực tàu ngầm của Nga phần nào bị ảnh hưởng do nước này phải dồn lực cho các lực lượng trên bộ trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng như đòn trừng phạt của Mỹ và đồng minh, song phương Tây dường như đang "chật vật" trong cuộc đua phát triển tàu ngầm, luôn cảnh giác đối với tàu ngầm Nga.      

Nga bạo chi

Giới chuyên gia cho rằng Nga đã đầu tư rất nhiều vào hạm đội tàu ngầm. Phần lớn đầu tư vào lĩnh vực biển của Nga tập trung vào hạm đội tàu ngầm công nghệ cao. "Nga chi mạnh tay đầu tư cho khả năng ngầm dưới nước của mình kể từ năm 2014, trước hết là tàu ngầm", cựu Tham mưu trưởng Hải quân Ukraine Ihor Kabanenko cho hay.

Nga đã đầu tư mạnh vào việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của nước này, hiện tăng lên 58 tàu, 10 trong số này đã hơn 35 năm tuổi. 11 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Borei-A, cùng với các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình như lớp Yasen... là đội quan tàu ngầm mang đến nỗi lo sợ lớn nhất đối với NATO.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga. (Ảnh: TASS)

Hai chiếc tàu ngầm lớp Yasen đi vào hoạt động từ năm 2014 và chiếc thứ ba đang được thử nghiệm trên biển Yasen được đánh giá là hoạt động đặc biệt yên tĩnh và mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Các chỉ huy NATO lo ngại Nga có thể điều tàu này vào Đại Tây Dương trong trường hợp xảy ra xung đột, sẵn sàng tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu hoặc Mỹ.

Nga cũng công bố khoản đầu tư mới vào việc nâng cấp năng lực hạm đội tàu ngầm của nước này. Đáng chý ý, truyền thông Nga tuyên bố Moskva đang chế tạo tàu ngầm mới mang "siêu ngư lôi", có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong những năm tới.

Graeme P. Herd, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Âu George C. Marshall cho hay, hạm đội tàu ngầm của Nga "vượt xa" hạm đội mặt nước của nước này về nhiều mặt. Cùng quan điểm, Dmitry Gorenburg thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA), một tổ chức tư vấn của Mỹ nói, trong suốt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, trọng tâm hải quân của Nga là phát triển tàu ngầm, trong khi Moskva gần như mất khả năng chế tạo các tàu mặt nước lớn, mới.

Theo Business Insider, hoạt động gần đây của tàu ngầm Nga cho thấy Moskva tập trung vào khả năng đi vào Đại Tây Dương và đến gần Bờ Đông nước Mỹ. Năm 2019, 10 tàu ngầm của Nga, 8 trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân, đã thực hiện đợt triển khai bất ngờ từ các căn cứ ở Bắc Cực đến Bắc Đại Tây Dương với mục đích rõ ràng là đi càng xa càng tốt mà không bị NATO phát hiện.

Năm ngoái, Phó Đô đốc Daniel Dwyer, chỉ huy Hạm đội 2 có trụ sở tại Virginia của hải quân Mỹ nói rằng, Đại Tây Dương “không còn cung cấp lợi thế địa lý” cho phép bảo vệ đại lục Mỹ như trong nhiều thập kỷ trước.

Nga đang chế tạo các tàu ngầm lớp Kilo II chạy bằng điện-diesel. Tàu ngầm loại này chuyên dùng cho trinh sát và tác chiến chống ngầm. Moskva cũng chế tạo ít nhất 2 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cỡ lớn đóng vai trò như tàu mẹ để triển khai nhiều tàu ngầm cỡ nhỏ hơn.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có lợi thế hơn so với tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường như kích thước lớn và mang nhiều vũ khí hơn, đồng thời có thể di chuyển nhanh với hành trình dài.

Ông Tuomas Pöyry, Phó Chủ tịch của Image Soft - công ty Phần Lan chuyên phát triển hệ thống giám sát dưới nước cho biết, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với các lò phản ứng được thiết kế giảm tiếng ồn sẽ khiến cho đối phương khó phát hiện.

Sẽ rất khó phát hiện nếu tàu ngầm hạt nhân hiện đại lặn và ở yên dưới đáy biển để ẩn nấp cũng như chờ đợi”, ông Pöyry nói, cho rằng tàu ngầm di chuyển sẽ gây ra tiếng ồn và thậm chí cả những tàu ngầm hạt nhân có độ ồn thấp nhất cũng vẫn có thể bị đối phương phát hiện cách xa hàng chục km trong điều kiện thích hợp.

Tàu ngầm USS Asheville của Mỹ. (Ảnh: Business Insider)

Nỗi lo của NATO

Dù vẫn còn nhiều câu hỏi về năng lực của Nga trong việc duy trì hạm đội dưới nước chưa từng được "thử lửa" của nước này, nhưng giới quân sự đều nhất trí rằng phương Tây đang cảnh giác rõ rệt về tàu ngầm Nga.

NATO lo ngại về khả năng mở rộng dưới nước của Nga, cũng như mối nguy hiểm từ năng lực hạm đội tàu ngầm của Moskva. NATO lo rằng, các tàu ngầm tấn công, tên lửa đạn đạo và tàu lặn chuyên dụng của Moskva có thể được sử dụng để đe dọa hoặc tấn công cơ sở hạ tầng kinh tế và quân sự của liên minh quân sự này.

Những quan ngại này đã tăng lên kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Kể từ đó, các tàu ngầm Nga đã triển khai thường xuyên hơn, lâu hơn và hoạt động gần cơ sở hạ tầng quan trọng của NATO dưới biển tăng lên. Đô đốc Hải quân Mỹ phụ trách lực lượng tàu ngầm của NATO từng cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến ​​​​hoạt động dưới nước của Nga ở khu vực lân cận với các dây cáp biển nhiều chưa từng thấy".

Đầu năm nay, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Anh Tony Radakin nói Nga có thể "gây rủi ro và có khả năng khai thác hệ thống thông tin của thế giới, đó là các dây cáp ngầm đi khắp thế giới". Ông nhận định, có "sự gia tăng bất thường trong hoạt động dưới nước và tàu ngầm của Nga" và Moskva đã "phát triển khả năng đe dọa các dây cáp ngầm dưới biển và có khả năng khai thác những đường cáp ngầm đó".

Ông Tuomas Pöyry cho biết, việc bảo vệ cơ sở hạ tầng là khả thi ở những vùng nước tương đối nông và gần các căn cứ hải quân nếu có đủ cảm biến phát hiện tàu ngầm được đặt ở đúng khu vực, phù hợp với vùng biển Baltic và Bắc Âu. Tuy nhiên, ở Bắc Đại Tây Dương - nơi có nhiều tuyến cáp ngầm đi qua, là "khu vực sâu và rộng", sẽ rất khó phát hiện di biến động của tàu ngầm.

Ông Paul van Hooft, nhà phân tích chiến lược cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (HCSS, Hà Lan), cho rằng các khu vực ở biển Bắc dường như ngày càng bị tàu ngầm Nga giám sát chặt chẽ hơn.

Theo Nick Childs, thành viên cấp cao về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS, Anh), kiểu chiến tranh đáy biển này là lĩnh vực mà Nga đã "đầu tư đáng kể", tập trung vào những công nghệ như tàu ngầm đặc nhiệm. Ông cho rằng, đây cũng là một lĩnh vực mà "NATO đang nhận ra rằng họ cần đầu tư nhiều hơn vào việc chống lại các mối đe dọa như thế".

Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen-M của Nga. (Ảnh: TASS)

Cuộc chiến săn ngầm

Xuất phát từ những lo ngại trước năng lực tàu ngầm của Nga, NATO gần đây thể hiện mong muốn thành lập một đơn vị mới để bảo vệ tốt hơn các đường ống và cơ sở hạ tầng quan trọng khác trên biển.

Hôm 14/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố bức tranh tổng thể cũng như sự hiện diện trên biển để răn đe và phòng thủ. Theo ông Stoltenberg, đơn vị mới với tên gọi "Trung tâm An ninh Hạ tầng trọng yếu dưới biển" của NATO sẽ được đặt tại Bộ Tư lệnh hàng hải liên minh (MARCOM) ở Northwood gần London.

Theo các chuyên gia, cuộc đua phát triển tàu ngầm giữa Nga và NATO diễn ra sẽ kéo theo những lo ngại về "cuộc chiến đáy biển" mới giữa hai bên.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhiệm vụ chính của các tàu ngầm tấn công và tên lửa hành trình của Liên Xô là luôn sẵn sàng cho một cuộc tấn công tàu chiến, đặc biệt là tàu sân bay và cơ sở hạ tầng của đối phương như cảng biển. Do đó, trọng tâm của NATO thời điểm đó là theo dõi các tàu ngầm đó của Nga, bảo vệ cơ sở hạ tầng ở biển.

Trong giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, Mỹ phát triển Hệ thống giám sát âm thanh (SOSUS), một mạng lưới sonar nhằm phát hiện và xác định các tàu ngầm của Liên Xô trong “khoảng trống” GIUK (nằm giữa Greenland - Iceland - Vương quốc Anh) có vị trí chiến lược ở Bắc Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, Liên Xô sau đó nắm được thông tin về SOSUS, qua đó tìm cách vô hiệu hoá, làm giảm hiệu quả của nó. Washington cũng thu được thông tin tình báo về tàu ngầm Liên Xô thông qua các hoạt động bí mật, bao gồm cả việc trục vớt một phần tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo K-129 bị chìm năm 1974 và nghe lén thông tin liên lạc của hải quân Liên Xô.

Những năm gần đây, NATO tập trung nhiều hơn vào việc tìm kiếm và theo dõi tàu ngầm Nga. Điều này diễn ra trong bối cảnh Moskva củng cố hạm đội dưới biển và thể hiện khả năng tấn công các mục tiêu sâu trong đất liền bằng tên lửa hành trình mới.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, công nghệ mới sẽ khiến việc phát hiện tàu ngầm của đối phương trở nên khó khăn hơn. Quân đội các nước NATO tỏ ra thận trọng khi nói về khả năng tìm kiếm những tàu ngầm như vậy. 

Tại phiên điều trần của Thượng viện vào tháng 2/2020, trả lời câu hỏi liệu các lực lượng Mỹ có “bao quát đầy đủ” đối với các tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương hay không, người đứng đầu Bộ Tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu thừa nhận: “Chúng tôi đã làm nhưng không phải 100%”.

Sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine, hải trình của tàu ngầm Nga được cho có những thay đổi không chỉ ở biển Đen, mà còn ở biển Barents xung quanh bán đảo Kola, Bắc Đại Tây Dương và biển Baltic.

Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace trong chuyến công du Washington (Mỹ) cho biết, các tàu ngầm Nga đã di chuyển theo "những tuyến đường lạ". Ông cho hay Anh đã theo dõi đường đi "bất thường" của tàu ngầm Nga ở Bắc Đại Tây Dương, biển Ireland và biển Bắc.

Trước đó, ông Michael Petersen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga tại Đại học Hải chiến Mỹ, nhận định tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga cũng đã bị phát hiện "ở ngoài khơi bờ biển Mỹ, vào Địa Trung Hải và những nơi khác dọc theo ngoại biên châu Âu".

Kông Anh

Tin mới