Theo Sci-News, thứ được các nhà khoa học tập trung lần này là các hydrocarbon thơm đa vòng (PAH), vốn có thể tiết lộ rất nhiều đặc tính vật lý của môi trường liên sao.
PAH là những "hạt bụi" rất nhỏ và chính kích thước bé nhỏ khiến chúng rất có giá trị đối với thiên văn học. Khi các PAH hấp thụ một photon từ một ngôi sao, chúng sẽ dao động và tạo ra các điểm phát xạ mà các kính viễn vọng phù hợp sẽ quan sát được.
NGC 7496, một thiên hà cách chúng ta 24 triệu năm ánh sáng. (Ảnh: NASA/ESA/CSA)
Trên Trái Đất PAH có thể được hình thành từ khói lửa, nhựa đường, là một hóa chất có hại với con người khi bị ô nhiễm vào thức ăn và vật dụng. Tuy nhiên trong môi trường thiên văn chúng là thứ liên quan mật thiết đến quá trình hình thành sao và tính chất của các "vườn ươm sao".
Nó như đầu mối dây mà người Trái Đất có thể nắm bắt nếu có một kính viễn vọng quan sát được ở bước sóng cận hồng ngoại trung bình, điều mà kính thiên văn đã nghỉ hưu Spitzer của NASA từng làm.
Với James Webb, các hình ảnh trở nên rõ nét chưa từng thấy, giúp nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Karin Sandstrom từ Trường Đại học California ở San Diego (Mỹ) lập được bản đồ bên trong 4 thiên hà xa xôi đó, tiết lộ nhiều chi tiết đặc sắc như các sợi khí, các bong bóng năng lượng được thổi ra từ các ngôi sao mới hình thành, những ngôi sao có trường bức xạ cực mạnh và cả "cái chết của những vì sao" gọi là siêu tân tinh.
Tất cả hé lộ điều cốt lõi của quá trình hình thành sao của một thiên hà, có thể coi như sự khởi đầu của nhiều thế giới: Hàng tỉ năm trước Mặt Trời đã ra đời như thế, sau đó dần sinh ra các hành tinh bao gồm Trái Đất.
Các phát hiện từ quan sát mới này sẽ được trình bày cụ thể trong một loạt các nghiên cứu sắp xuất bản trên Astrophysical Journal Letters.
James Webb là kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới hiện nay, được chế tạo và điều hành chính bởi NASA, có sự hỗ trợ của hai cơ quan vũ trụ châu Âu và Canada là ESA và CSA.