Không lo thiếu ở bất kỳ hoàn cảnh nào
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vào chiều 12/3, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), cho biết, trong điều kiện vô cùng gian khó cả về thị trường và điều kiện thời tiết, sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng với tốc độ cao, năng lực sản xuất lớn chưa từng có.
Cụ thể, hai tháng đầu năm 2020, cả nước gieo cấy khoảng 3,01 triệu ha lúa đông xuân, sản lượng ước đạt 20,3 triệu tấn. Sản lượng gạo cả năm ước đạt 28 triệu tấn. Trong đó, tiêu dùng trong nước khoảng 75%, còn 25% là xuất khẩu (6,5-7 triệu tấn).
“Vụ lúa đông xuân vừa rồi được mùa. Lương thực đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu”. Ông Việt khẳng định và thông tin thêm, rau củ quả sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn. Với diện tích 1,1 triệu ha, sản lượng trái cây ước đạt 1,3 triệu tấn.
Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhờ kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi, trên 97% số xã đã không còn dịch sau 30 ngày đã thúc đẩy người dân và doanh nghiệp đang đầu tư tái đàn. Ước tính, đàn bò tăng 2,4%, đàn gia cầm tăng 13,8%... Sản lượng thịt năm nay ước đạt 5,8 triệu tấn nên chúng ta không lo thiếu thịt.
Tương tự, hai tháng đầu năm nay, sản xuất thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Tổng sản lượng ước đạt 1,02 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quan sát bức tranh sản xuất của ngành nông nghiệp có thể khẳng định sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khuẩu. Sức sản xuất đang ở tốc độ cao, không lo thiếu lương thực thực phẩm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đặc biệt, mục tiêu xuất khẩu đạt 42 tỷ USD chắc chắn sẽ đạt và có thể hơn, ông Việt cho hay.
Chờ sau dịch đẩy mạnh xuất khẩu
Chia sẻ những lo lắng về thị trường xuất khẩu khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang, nhận định, nếu dịch Covid-19 không lắng xuống chắc chắn việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường chính là Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.
Do đó, Bắc Giang đang quan tâm đến công tác rải vụ để quả vải cho thu hoạch và tiêu thụ trong khoảng 2 tháng. Ngoài ra, tỉnh này cũng tìm kiếm những thị trường mới như Nhật Bản, thúc đẩy tiêu thụ trong nước, trong đó mở rộng kênh phân phối miền Trung, miền Nam để phòng trường hợp dịch Covid-19 có thể làm ảnh hưởng đến xuất khẩu, ông Tùng cho hay.
Thực tế, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng than khó khăn trong vấn đề xuất khẩu dẫn tới tồn đọng lượng hàng hoá lớn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, dịch Covid-19 đã thành đại dịch, hết sức nguy hiểm, gây ra hai vấn đề bao trùm là đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân trên toàn cầu và làm rối loạn nên kinh tế thế giới.
Sau dịch Covid-19, nhu cầu lương thực, thực phẩm trên thế giới sẽ bùng nổ - cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Hiện nay, ngoài đối mặt với dịch Covid-19, ngành nông nghiệp còn hứng chịu cả tính cực đoan của thời tiết như mưa đá trên diện rộng, hạn hán lịch sử ở ĐBSCL, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm A/H5N1...
Theo Bộ trưởng Cường, những tháng còn lại của năm 2020, toàn ngành nông nghiệp xác định rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tín hiệu thị trường thuận lợi; chú trọng yếu tố thị trường, để làm sao người dân bị cách ly cũng vẫn phải có đủ lương thực thực phẩm.
Riêng về thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng cho biết, sắp tới sẽ thúc đẩy mở rộng thị trường Nga, Brazil,... Còn ở thị trường Trung Quốc, khi dịch Covid-19 đi xuống thì sẽ nhanh chóng khôi phục, thông thương hàng hoá ngay, đồng thời xúc tiến mở cửa thêm các loại nông sản mới như sầu riêng, chanh leo, khoai lang,...
“Sau dịch bệnh, bao giờ nhu cầu lương thực, thực phẩm của các nước cũng rất lớn, có thể nói là nhu cầu bùng nổ. Thế nên chúng ta cần tận dụng thời cơ, cần chuẩn bị tốt khâu sản xuất để có nguồn hàng cung ứng cho thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thừa nhận trong nguy có cơ, ông Phạm Xuân Quế - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc - chia sẻ, xuất khẩu gạo tăng trưởng rất tốt trong hai tháng đầu năm nay với khối lượng xuất khẩu đạt 900 ngàn tấn. Đáng chú ý, sau Tết thị trường sôi động, giá gạo tăng mạnh, tăng đều ở các phân khúc, thời gian tăng giá nhanh ngoài dự báo. Giá gạo điều chỉnh tăng thay vì theo quý, giờ tăng theo tuần.
Nguyên nhân gạo được giá là thị trường thế giới có sự điều chỉnh, các nước nhập khẩu nhập sớm. Trung Quốc trước đó chi phối thị trường châu Phi nhưng nay có dịch Covid-19 nên không kham nổi, gạo Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu vào châu Phi.
“Có nhiều tín hiệu khả quan với ngành gạo, do đó xuất khẩu gạo năm 2020 có thể đạt trên 3 tỷ USD với sản lượng xuất khẩu 6,7 triệu tấn”, ông Quế chia sẻ.
Video: Bộ Công thương: Đủ thực phẩm cung cấp cho người dân (Nguồn: VTC1)