Chắt từng giọt nước
Từ nhiều tuần nay, người dân ở thôn Tà Nôi (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) phải dùng chai, can nhựa đến những giếng đào giữa suối tìm nước về sinh hoạt. Nhưng nước ở giếng thì ngày càng cạn kiệt mà số lượng người lấy thì ngày càng đông, nên để có thể lấy được nước, người dân phải đến từ rất sớm và xếp hàng chờ đợi.
Hạn nặng kéo dài, nhiều ha đất nông nghiệp phải ngưng sản xuất, người dân thì điêu đứng vì thiếu nước sinh hoạt.
Thôn Tà Nôi có 180 hộ dân với gần 700 nhân khẩu, người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng từ ngày hạn nặng, hàng trăm ha đất nông nghiệp phải ngưng sản xuất, khó khăn chồng chất khó khăn. Có người phải đi hàng chục cây số mới lấy được nước vì những giếng gần đã cạn.
Bà Cà Mao Thị Sú (thôn Tà Nôi) buồn bã: "Hơn 2 tháng nay, ngày nào tôi cũng ra suối xa để lấy nước nhưng nước suối thì không dám ăn chỉ để tắm giặt, rửa chén bát thôi. Còn để có nước ăn thì tôi phải thức dậy từ sáng sớm, tới xếp hàng ở đầu thôn để lấy nước, chứ đi trễ thì không còn vì người lấy nước ngày càng đông”.
Hiểu được những khó khăn của bà con, những ngày gần đây, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận liên tục hỗ trợ vận chuyển nước đến cho người dân sử dụng. Dự kiến, nước sạch phục vụ cho nhân dân thôn Tà Nôi được đơn vị này đảm nhiệm đến hết tháng 5.
Trẻ em cũng theo cha mẹ đi gánh nước về để sinh hoạt.
Ông Cà Mau Hà (58 tuổi, thôn Tà Nôi) cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy cảnh hạn hán như năm nay. Suối thì hết nước, đất nông nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Những bình nước suối lấy về chỉ để dùng tạm trong ngày và sau đó tôi cũng phải mang can sang lấy nước của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ về uống”.
Cây trồng, gia súc điêu đứng vì hạn
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, do thiếu nước tưới nên 7.873,8ha diện tích của địa phương phải dừng sản xuất. Ngoài ra, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại từ vụ Đông Xuân 2019-2020 tính đến ngày 21/5 trên toàn tỉnh là 198,1 ha.
Trong khi đó, mực nước tại 21 hồ chứa trên toàn tỉnh hiện chỉ ở mức 24,04/194,49 triệu m3, chiếm 12,36% tổng dung tích thiết kế. Cụ thể, 9 hồ có dung tích trên mực nước chết, 3 hồ xấp xỉ mực nước chết, 8 hồ dưới mực nước chết và 1 hồ hết nước hoàn toàn.
Nhiều kênh thuỷ lợi tại địa phương cạn kiệt nước.
Hạn kéo dài trong khi nguồn nước cung ứng không đủ nên hầu như tất cả các loại cây trồng đều chết khô, các diện tích đất nông nghiệp phải ngưng sản xuất. Các đàn gia súc tại tỉnh này đứng trước tình trạng thiếu thức ăn nghiêm trọng. Để duy trì đàn gia súc, người dân phải mua rơm cuộn (40.000 đồng/cuộn) về làm thức ăn cho chúng.
Ông Va Nhông Bông (một người dân địa phương) cho hay: "Nhà tôi có một đàn bò. Ngày nào cũng phải chật vật lo thức ăn và nước uống cho chúng. Rơm rạ tại địa phương giờ cũng không còn nên phải đặt hàng nơi khác mang đến với giá trên 35.000 đồng/cuộn. Nếu hạn cứ kéo dài như thế này thì không biết bao nhiêu công sức và tiền của nữa mới trang trải đủ”.
Nắng gắt kéo dài, nhiều đàn gia súc của người dân thiếu thức ăn nghiêm trọng.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các địa phương nạo vét, đào mới ao chứa nước, trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để giải quyết thức ăn cho đàn gia súc. Cần di chuyển đàn gia súc đến các khu vực thuận lợi về thức ăn, nước uống, đồng thời tích cực giám sát, hướng dẫn người chăn nuôi đề phòng dịch bệnh.
Bên cạnh đó, vận động nông dân áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn hán như: Mô hình tưới tiết kiệm, mô hình xen canh, luân canh có hiệu quả; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các loại cây trồng đặc thù như: nho, táo, rau để giải quyết phần nào khó khăn.
Video: Đồng bằng Sông Cửu Long: Cây trồng chết khô vì hạn, mặn