Nông dân rưng rưng cắt lúa cho bò ăn
Đã nhiều ngày nay, chị H’Duen - Drao (buôn Khoắh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) phải ra đồng "bấm bụng" cắt lúa sắp tới mùa thu hoạch để làm cỏ cho bò ăn.
"Vì chẳng có nước, 4 tháng rồi không có lấy một giọt mưa, lúa chết cháy cả, làm sao bây giờ?", chị H'Duen rưng rưng nói với PV VTC News trên thửa ruộng khô nứt.
Đáng nói là, không phải mình gia đình chị H'Duen, mà hàng trăm hộ dân khác ở huyện Krông Bông cũng cùng chung cảnh ngộ. Lúa sắp được gặt nhưng giờ chết khô, bao công chăm bón coi như đổ sông, đổ biển.
Nông dân "bấm bụng" cắt lúa sắp thu hoạch cho bò ăn thay cỏ, vì để đấy lúa cũng sẽ chết khô.
Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, đến giữa tháng 3/2020, toàn tỉnh có hơn 1.000ha hoa màu chịu ảnh hưởng nặng bởi hạn hán. Trong đó, gần 500ha lúa đông xuân thiếu nước tưới trầm trọng dù đến mùa thu hoạch, phần lớn đã chết khô.
Thiệt hại nặng nhất là 2 huyện Krông Bông và M'Đrắk. Riêng huyện Krông Bông có tới 260ha cây trồng ngắn ngày bị khô hạn, trong đó có 150ha lúa sắp tới mùa thu hoạch.
Cùng với Đắk Lắk, Gia Lai cũng chịu thiệt hại nặng trong đợt khô hạn kéo dài này.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, đến nay tỉnh có 333 ha lúa nước đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng bị thiệt hại do nắng hạn.
Trong đó, khoảng 306ha (70%) có nguy cơ mất trắng, số còn lại thiệt hại từ 30-70%. Khu vực chịu thiệt hại nặng do hạn hán chủ yếu tập trung tại các huyện Đak Đoa (trên 211 ha), Mang Yang (trên 56 ha) và TP Pleiku (trên 65 ha).
Nước đâu cứu hoa màu?
Liên quan đến sự việc, Phòng NN&PTNT huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết, huyện sẽ thống kê danh sách thiệt hại, xin UBND huyện hỗ trợ kinh phí để họ tái sản xuất.
"Nông dân chủ yếu tận dụng nguồn nước tự nhiên từ khe suối để gieo trồng, dẫn đến đối mặt với nhiều rủi ro do khô hạn. Để cứu hoa màu, huyện sẽ lập các trạm bơm dã chiến đưa nước từ sông lên hoặc điều tiết nước từ công trình thủy lợi ở sông Krông Kmar về cho cây trồng", lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Krông Bông cho biết.
Những cánh đồng nứt nẻ vì thiếu nước ở Tây Nguyên.
Giống Đắk Lắk, Gia Lai cũng sẽ sớm lên phương án trữ nước, phục vụ tưới tiêu từ trước Tết Nguyên đán, nhưng vẫn không đủ.
“Hy vọng diện tích lúa nước bị thiệt hại thấp vì chúng tôi đã sớm lên các phương án trữ nước, phục vụ tưới tiêu từ trước Tết Nguyên đán. Vài tuần tới, khi bà con kết thúc vụ Đông Xuân 2019-2020, chúng tôi sẽ yêu cầu thống kê chi tiết thiệt hại để lên phương án hỗ trợ cho người dân, không để họ phải bỏ ruộng đồng”, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc (phụ trách) Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai thông tin.
Video: Lúa cháy khô, cây trái héo rũ vì… mặn