Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nam sinh Việt là thủ khoa đầu ra trường đại học ở Nhật

(VTC News) -

Bốn năm học tại Đại học Teikyo (Nhật Bản), điểm GPA của Nguyễn Duy luôn thuộc top 1% toàn trường.

Tháng 3/2022, Nguyễn Duy (sinh năm 1996) tốt nghiệp Đại học Teikyo. Vài ngày trước lễ tốt nghiệp, em nhận thông báo là thủ khoa đầu ra ngành Kinh tế của trường.

Nguyễn Duy tốt nghiệp Đại học Teikyo với GPA 3.71/4.0. (Ảnh: NVCC)

Năm 2016, Duy lên đường du học Nhật. Sau 2 năm học tiếng Nhật, em trở thành học sinh đầu tiên bắt đầu từ lớp cơ bản đạt N1 (cấp độ khó nhất của Kỳ thi năng lực tiếng Nhật) nhanh nhất và được tuyển thẳng vào trường Đại học Teikyo. Ngoài sở hữu bằng N1 tiếng Nhật, Duy cũng có bằng HSK5 (trình độ cao cấp trong Kỳ thi kiểm tra trình độ Hán ngữ) và TOEIC 890 (mức điểm cao trong Bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế). 

Ở Nhật, mỗi trường, mỗi ngành sẽ có cách tính điểm riêng. Trường của Duy tính điểm cho sinh viên theo hệ 4.0, trong đó sẽ đánh giá theo phương pháp Bell Curve - tức 10% học sinh được loại S (4.0), 20% được loại A (3.0), 30% được loại B (2.0), 30% được loại C (1.0) và sẽ đánh trượt 10% sinh viên thuộc loại D. Đặc biệt, Đại học Teikyo không cho học cải thiện. Những sinh viên bị điểm thấp sẽ không có cách nào để cải thiện bảng điểm của mình.

Vậy nên, sinh viên phải thật sự nỗ lực để duy trì điểm số. Nếu muốn đạt GPA 4.0, tổng điểm chuyên cần + điểm thi phải trên 90/100 và nằm trong top 10% của lớp. Các bài kiểm tra hoặc báo cáo cuối môn phải đạt điểm gần như tối đa.

Để bảo toàn bảng điểm, Duy xây dựng kế hoạch đăng ký môn từ năm nhất. Trong mỗi chương trình học thường chia ra những môn bắt buộc - môn khó và những môn tự chọn. Thay vì đăng ký tất cả những môn bắt buộc vào năm nhất như mọi người thường làm, 9x chia đều những môn này cho 3 năm học. Duy tuân theo quy tắc 2:6:2, tức 20% là môn bắt buộc, 60% là môn tự chọn và những môn thuộc thế mạnh của bản thân nằm trong 20% còn lại. Với 80% là các môn “dễ thở”, em có thể dành nhiều thời gian cho các môn khó.

Hay bị tâm lý lúc làm bài kiểm tra, Duy ưu tiên chọn những môn tính điểm dựa trên báo cáo cuối môn để có thời gian chuẩn bị. Có những môn ngay khi đọc đề cương em đã hình dung ra đề tài cuối kì của giáo viên, và thường đúng tới 90%. Vì thế, em tranh thủ những lúc rảnh để viết báo cáo sẵn cho từng môn. Đến khi có đề tài chính thức, em chỉ cần chỉnh sửa lại cho phù hợp. 

Theo Duy, việc tạo ấn tượng đầu tiên với giáo sư rất quan trọng. Do đó trong lớp, em ngồi ở vị trí đầu tiên, gần chỗ giảng viên. Sau tiết học đầu tiên, em nán lại để hỏi một vài vấn đề liên quan đến môn học và tìm hiểu về những tiêu chí để giáo sư cho sinh viên điểm tối đa. Từ đó, em điều chỉnh việc học cho phù hợp với yêu cầu của môn học đó.

Năm 2 đại học, Duy chơi thân với 3 bạn người Nhật. Cả nhóm đăng ký môn, làm bài tập và ôn thi cùng nhau. Mỗi khi gặp bài khó, tất cả sẽ cùng ngồi lại để tìm ra gốc rễ vấn đề. Khi Duy nản lòng, cũng chính các bạn tạo động lực để em tiếp tục cố gắng. “Kết quả, cả 4 đứa em đều là thủ khoa của 4 ngành khác nhau trong trường. Vậy nên, việc có nhóm bạn chơi thân và cùng nhau học tập là vô cùng quan trọng”, Duy nói.

Môn học khiến Duy “ám ảnh” nhất trong 4 năm học là Kinh tế khái luận. Đây là môn học mà 50% trong tổng số 267 sinh viên của lớp thi trượt. Thế nhưng, nhờ phương pháp học hiệu quả, Duy là sinh viên duy nhất của lớp được trên 90 điểm.

Nguyễn Duy nhận bằng khen thủ khoa đầu ra ngành Kinh tế của trường Đại học Teikyo. (Ảnh: NVCC)

Duy cùng các bạn du học sinh tại Nhật trong buổi lễ tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Với điểm GPA xuất sắc (trong đó có 2 kỳ đạt điểm GPA tối đa 4.0/4.0), Duy được cấp mức học bổng 100 triệu đồng/năm học. Tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh tế cũng là tiền đề giúp em giành học bổng toàn phần trị giá 1,2 tỷ đồng/2 năm học cho chương trình thạc sĩ trường Đại học Hitotsubashi (top 91 thế giới ngành Kinh tế). Theo tổ chức giáo dục Benesse, chỉ 0.3% học sinh Nhật đủ khả năng đỗ vào Đại học Hitotsubashi. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sỹ, Duy sẽ đi làm 2 năm tại Nhật và trở về Việt Nam sinh sống, làm việc.

Trong thư giới thiệu gửi đến Đại học Hitotsubashi, thầy Sasaki Toshihiko (giảng viên Đại học Teikyo) nhận xét Nguyễn Duy có khả năng cảm nhận và phân tích thị trường một cách tuyệt vời khi tham gia lớp học Tiền tệ và tài chính của thầy. Thầy dẫn chứng rằng, Duy là người duy nhất dự đoán chính xác chỉ số NY Dow Jones (chỉ số tham chiếu giá của cổ phiếu 30 công ty đại chúng vốn hóa lớn trên sàn chứng khoán Nasdaq và New York) trước ba tháng, vào ngày 9/7/2021 mà hầu như không có sự chênh lệch.

"Tôi cho rằng sự nhạy bén và khả phân tích thực tế của em ấy không chỉ là lý thuyết mà còn có thể tận dụng vào thực tế để phân tích chính xác các chỉ số tài chính trong và ngoài nước. Tôi nghĩ những khả năng nêu trên sẽ giúp cho các nghiên cứu của Nguyễn Duy trở nên thực tế và có tính ứng dụng cao trong tương lai. Tôi có thời gian dài làm việc tại quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), nhưng đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội được tiếp xúc với một người châu Á xuất sắc đến như thế”, thầy Sasaki Toshihiko viết. 

HOÀI ANH

Tin mới