Năm 2012 cậu học sinh lớp 11 trường THPT Năng khiếu-Đại học Quốc gia TP.HCM xuất sắc vượt qua hàng nghìn ứng viên khắp thế giới để giành học bổng toàn phần (30.000 USD/năm) cho chương trình tú tài tại UWC Red Cross Nordic (Na Uy).
Năm 2014, Nghiêm tiếp tục chinh phục thành công học bổng toàn phần (75.000 USD/ năm) từ Chính phủ Abu Dhabi (các tiểu Vương quốc Ả- rập) cho chương trình cử nhân vào Đại học New York đặt trụ sở tại Abu Dhabi.
Năm 2018, Nghiêm tốt nghiệp cử nhân hạng ưu ngành Toán và Kinh tế học tại Đại học New York Abu Dhabi. Không dừng lại ở đó, cậu xuất sắc giành học bổng toàn phần bậc tiến sĩ của Đại học Yale (Mỹ) danh tiếng.
Nghiên cứu sinh Huỳnh Quang Nghiêm, chuyên ngành Kinh tế học, Đại học Yale, Hoa Kỳ. (Ảnh: NVCC)
8 năm định hình bản thân
Nhớ lại những ngày đầu làm hồ sơ ứng tuyển học bổng chương trình tú tài tại Na Uy, Huỳnh Quang Nghiêm cho biết bản thân là trường hợp “cá biệt” trong số những bạn được chọn đi du học với học bổng toàn phần. Nghiêm sinh ra trong gia đình trung lưu, em không đầu tư quá nhiều vào thành tích học tập, thay vào đó em hướng đến các hoạt động tập thể nhiều hơn.
Năm lớp 11, Nghiêm không có ý định đi du học Mỹ hay châu Âu vì em nói tiếng Anh không mấy lưu loát. Thời điểm đó, Nghiêm cũng chưa có định hướng cụ thể, nên quãng đời học sinh chỉ đơn thuần hằng ngày đi học từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà.
Đến với chương trình tú tài với Nghiêm là cơ duyên. Ban đầu cậu chỉ đăng ký theo trào lưu của các bạn học cùng lớp, và không quá kỳ vọng vì bản thân không nhiều thành tích nổi bật. Cậu không tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, không huy chương, không có bảng thành tích học tập "khủng", thế mạnh duy nhất của Nghiêm là thuyết phục và viết luận.
Trong bài viết luận ứng tuyển, Nghiêm nói về giá trị của bản thân. Cậu cho rằng phương châm sống của gia đình phù hợp với chương trình tú tài đó là “dùng giáo dục, lòng trắc ẩn để kết nối con người”.
Cậu thuyết phục hội đồng rằng học bổng đó sẽ giúp cậu lan toả kết nối nhiều hơn tới các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới. Sự mộc mạc và chân thành đó giúp nam sinh lớp 11 ấy vượt qua hàng nghìn thí sinh sở hữu thành tích học tập khủng để giành học bổng toàn phần.
Những ngày đầu sang Na Uy, tuy vốn tiếng Anh bập bõm và cuộc sống xa nhà lạ lẫm nhưng Nghiêm vẫn tự tin lao vào trải nghiệm điều mới mẻ. Cậu cố gắng học giao tiếp để thích ứng với môi trường ở đây.
Tại UWC, Nghiêm có nhiều cơ hội theo đuổi đam mê Toán học. Nghiêm nói đây là môn học có vẻ đẹp đặc trưng riêng khiến người ta đã mê thì khó dứt bỏ. Ngoài việc học tập, vào các kỳ nghỉ hè, Nghiêm thường tới Ghana để dạy học môn Toán cho các em nhỏ. Cậu hy vọng truyền được lửa đam mê môn học này cho các bạn học sinh trung học.
Năm 2014, Nghiêm tốt nghiệp chương trình tú tài tại UWC Red Cross Nordic, vào Đại học New York Abu Dhabi. Cậu khao khát trở thành nhà nghiên cứu Toán học.
Suốt hai năm đầu đại học, Nghiêm dành toàn bộ thời gian trên giảng đường và thư viện, cậu theo học rất nhiều chuyên đề nghiên cứu về Toán.
Huỳnh Quang Nghiêm trong một chương trình tình nguyện cộng đồng. (Ảnh: NVCC)
Sang năm thứ 3 đại học, cậu sinh viên chợt nhận ra những thuật toán đại số, giải tích và phương trình vi phân… đang kéo cậu ra xa khỏi thế giới xung quanh. "Mình có chọn nhầm hướng đi, vì bản thân vốn là kiểu người thích giao tiếp, kết nối và truyền cảm hứng hơn là ngồi miệt mài một chỗ", cậu tự hỏi.
Sau thời gian dài suy nghĩ, Nghiêm quyết định chuyển hướng sang chuyên ngành Kinh tế học trrước sự ngạc nhiên của thầy cô và bạn bè. Nhưng hướng đi táo bạo này lại giúp cậu nhận ra tầm quan trọng của việc hiểu bản thân cũng như chọn ngành nghề phù hợp.
Đam mê và định hình được bản thân là bí quyết giúp Nghiêm tốt nghiệp cử nhân hạng ưu vào 2018 và giành vé học thẳng lên bậc tiến sĩ tại Đại học Yale.
"Chọn nghiên cứu chuyên sâu ngành Kinh tế học giúp em có thêm cơ hội nghiên cứu về các nước đang phát triển. Từ đó, đóng góp phần công sức bản thân để cùng đưa ra hướng xây dựng giúp các nước có thể bắt kịp thế giới về thương mại, giáo dục và y tế", Nghiêm kỳ vọng.
Người truyền cảm ứng
Ngoài hoạt động học tập, nghiên cứu, Huỳnh Quang Nghiêm là người sáng lập và điều hành tổ chức Headway, thành viên ban tuyển sinh của Uỷ ban Quốc gia các trường thế giới liên kết Việt Nam.
Nghiêm nhận thấy, mỗi mùa tuyển sinh, khi tiếp xúc với các ứng viên bản thân vừa cảm thấy ấn tượng với nhiệt huyết và ước mơ của họ. Điều đó khiến cậu trăn trở vì sự thiếu tự tin, thiếu sáng tạo trong những hoạt động ngoại khóa của mỗi bộ hồ sơ.
Việc đó thôi thúc Nghiêm tham gia mạnh mẽ vào các tổ chức, hoạt động định hướng cho học sinh Việt Nam có thêm kinh nghiệm, bài học để hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển tốt nhất.
Khi trò chuyện lâu hơn với những bạn ứng cử viên của UWC, Nghiêm nhận thấy các bạn học sinh Việt Nam thường chọn tham gia các hoạt động cộng đồng vì chưa có nhiều cơ hội để các bạn tìm hiểu sâu về những ngành nghề khác. Ngay cả khi đã có ý tưởng, các bạn cũng thường gặp khó khăn trong việc tìm được người hướng dẫn hoặc nguồn hỗ trợ tài chính cho những dự án tiềm năng này.
Nghiêm tự tin khoe trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Với việc thành lập Headway, Nghiêm không chỉ muốn khuyến khích các bạn học sinh Việt Nam khám phá những lĩnh vực đầy tiềm năng để phát triển xã hội và tìm ra đam mê thực sự của bản thân nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các dự án cộng đồng.
“Khi làm điều đó, em mong muốn không chỉ những bạn đang tình nguyện dạy học cho trẻ em mồ côi hay tham gia một chiến dịch nhặt rác, mà cả những học sinh có ước mơ trở thành nhạc sĩ hay nhà hóa học tương lai cũng có thể tìm ra sở trường của mình, và tìm cách thay đổi thế giới bằng những đam mê của chính các bạn”, nghiên cứu sinh Huỳnh Quang Nghiêm chia sẻ.