Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nam giới bị bạo lực gia đình tăng: Phụ nữ không còn dễ bị bắt nạt

(VTC News) -

Chuyên gia nhận định, xét theo hướng tích cực, tỷ lệ nam giới bị bạo lực gia đình gia tăng cho thấy phụ nữ ngày càng mạnh mẽ hơn, không dễ bị bắt nạt.

Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, trong 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình năm 2023, có 2.628 nữ và 565 nam.

Chính phủ đánh giá, so với năm 2022 số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước.

Tỷ lệ nam giới bị bạo lực gia đình gia tăng cho thấy phụ nữ ngày càng mạnh mẽ hơn, không dễ bị bắt nạt.

Thành công về bình đẳng giới

TS Hồ Lâm Giang, chuyên gia nghiên cứu về giới, nhìn nhận, thống kê về bạo lực gia đình giảm nhưng tỷ lệ nam giới bị bạo lực gia tăng, phần nào thể hiện những khía cạnh thành công của vấn đề bình đẳng giới.

Vì vốn dĩ, đàn ông hay đàn bà đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, việc nhìn nhận đàn ông cũng có thể là nạn nhân, người đàn ông được bảo vệ là một trong những biểu hiện của bình đẳng về quyền được bảo vệ.

Theo bà Giang, sự bình đẳng về mọi mặt của nam giới so với nữ giới thể hiện ở việc người đàn ông dần thoát khỏi khuôn mẫu, định kiến là "đàn bà chân yếu tay mềm", "phái yếu mới là phái bị bắt nạt".

"Hiện nay, nhiều người đàn ông dám đứng lên nhận mình là nạn nhân của bạo lực gia đình, cũng có khả năng bị tổn thương và cần bảo vệ. Theo tôi đây là sự tiến bộ của xã hội, sự bình đẳng của con người về quyền được bảo vệ và quyền được hạnh phúc", bà Hồ Lâm Giang khẳng định.

Ở chiều ngược lại theo hướng tích cực, bà Giang cho rằng, phụ nữ đang ngày càng tự chủ, mạnh mẽ.

"Khi vị thế về kinh tế, về quyền làm chủ của phụ nữ khác đi thì họ cũng ít ở trong vị trí của người dễ bị bắt nạt, thậm chí còn có thể ở vị thế là người có thể tấn công người khác", bà Giang nói.

TS Hồ Lâm Giang cho biết, người đàn ông trong gia đình luôn được đóng khung là trụ cột, phải mạnh mẽ để bảo vệ gia đình nên việc nhận mình là nạn nhân của bạo lực gia đình quả thật không dễ dàng.

Tuy nhiên, trong kho tàng dân gian Việt Nam không thiếu những hình ảnh ông chồng sợ vợ, bị vợ bắt nạt. Những mẩu chuyện này được lưu truyền phần nào thể hiện những chuyện "dễ đùa khó nói", những "ẩn ức" trong tâm thức của xã hội. 

Bà nêu rõ, rất nhiều công trình nghiên cứu về vị thế người phụ nữ trong văn hoá Việt Nam cho thấy, dù có bị phủ một "lớp sơn" của tư tưởng Nho giáo vốn "trọng nam", nhưng với cái lõi của một xã hội "mẫu hệ", người phụ nữ Việt không có vị trí thấp như những nước khác trong khu vực.

"Người phụ nữ Việt vẫn được nhắc tới đầy quyền lực với vai trò "nội tướng", "lệnh ông không bằng cồng bà"…", bà Giang nói.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi báo cáo của Chính phủ chỉ rõ nạn nhân của bạo lực gia đình là nữ giới có chiều hướng giảm so với năm trước.

Ông Nam đánh giá việc phụ nữ chịu bạo lực gia đình giảm thể hiện công tác tuyên truyền, chính sách pháp luật về bảo vệ bà mẹ và trẻ em mang lại hiệu quả; nhận thức của người dân về bình đẳng giới cũng có chuyển biến rõ rệt.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, vị thế của nữ giới trong xã hội được nâng lên, phụ nữ tham gia vào hoạt động kinh tế và trở thành trụ cột kinh tế chính. Vì vậy, họ không còn muốn trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình nữa.

"Nếu bạo lực xảy ra, họ sẵn sàng chấp nhận làm mẹ đơn thân, đây không còn là điều cấm kị so với trước. Có thể những vụ bạo lực mới chớm thì phụ nữ đã quyết tâm lựa chọn kết thúc cuộc hôn nhân nên nhiều vụ bạo lực không có hậu quả nặng nề nên không được ghi nhận", ông Nam nhận định.

Đàn ông phải tự cởi bỏ định kiến về phái mạnh

PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết, năm 2023, nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu vẫn là nữ giới chiếm 82,3% so với 17,7% nạn nhân là nam giới.

Tuy tỷ lệ nam giới vẫn là con số rất nhỏ nhưng theo ông Nam, không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua.

"Phụ nữ thường bị bạo hành cả tinh thần và thể chất, trong khi nam giới bị bạo hành tinh thần nhiều hơn. Một người đàn ông cảm thấy mình bị tổn hại về thể chất, tinh thần do những hành vi, thái độ và lời nói mà người khác gây ra thì được gọi là nạn nhân của bạo lực", ông Nam nói.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục phân tích, một số phụ nữ đẩy chồng vào tình thế chỉ biết phục tùng, thụ động, "chỉ đâu đánh đấy", thậm chí chẳng dám có ý kiến gì trong gia đình. Số khác thì coi chồng như của riêng mình, ngăn cấm mọi giao tiếp, quan hệ của chồng với bạn bè, đồng nghiệp.

Ông Nam cũng nêu một số trường hợp đến quấy rối tại công ty của chồng hoặc thưa kiện làm mất danh dự của chồng. Có bà vợ còn dùng "chiêu" doạ ly dị, giành quyền nuôi con để gây áp lực với chồng hoặc khủng bố tinh thần bằng cách đập phá đồ đạc, dọa tự tử.

"Ngoài lý do thiếu kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới thì khuôn mẫu, định kiến về tính cách, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình hay xã hội cũng là một nguyên nhân của việc nam giới là nạn nhân nhưng không nêu lên tình trạng của mình", ông Nam nêu thực tế.

Trong khi đó, TS Hồ Lâm Giang cho rằng, khi truyền thông đưa tin người phụ nữ bị bạo lực gia đình thì người chồng sẽ bị chỉ trích, lên án.

Tuy nhiên, khi đàn ông được công khai là nạn nhân của bạo lực, sẽ đi ngược định kiến và khuôn mẫu giới, người ta cảm thông với người chồng một phần, nhưng sẽ có nhiều ý kiến cho rằng anh ta hèn, yếu đuối, không xứng mặt đàn ông.

ts ho lam giang.jpg

Nam giới bị bạo lực gia đình không nhiều bằng nạn nhân là nữ, song nó phản ánh một điều rằng nữ giới không phải lúc nào cũng là phái yếu.

TS Hồ Lâm Giang

Theo bà Giang, do nhận thức chưa đầy đủ về bạo lực gia đình, người đàn ông không biết rằng mình có nguy cơ bị bạo lực gia đình, thậm chí đang chịu bạo lực gia đình. Nhưng có trường hợp, kể cả khi nhận thức được mình là nạn nhân của bạo lực gia đình, cũng đành câm nín, chấp nhận chịu đựng trong một thời gian dài, vì muốn giữ thể hiện.

"Đàn ông Việt chịu ảnh hưởng của những quan niệm truyền thống sẽ nghĩ rằng mình là phái mạnh phải là trụ cột, phải là người quan trọng nhất quyết định mọi việc... Những áp lực đó cần chính đàn ông phải cởi bỏ cho mình", TS Giang nói.

Chuyên gia tâm lý Hồ Lâm Giang nhấn mạnh, bình đẳng giới không phải lúc nào cũng là những phong trào hành động thiên về phụ nữ. Chính những người đàn ông cũng cần được chia sẻ, được lắng nghe, được thấu hiểu, bởi họ nhiều lúc cũng là nạn nhân chứ không phải lúc nào cũng đóng vai là thủ phạm.

Anh Văn

Tin mới