Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 sẽ được Chính phủ trình Quốc hội.
Theo đó, dự kiến đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7%, dư nợ chính phủ khoảng 39,5%, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 38,8% so với GDP ước thực hiện (quy mô GDP kế hoạch theo giá hiện hành là 8.600.000 tỷ đồng; ước thực hiện khoảng 8.490.000 tỷ đồng), nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 24,8% tổng thu NSNN.
Bộ Tài chính dự kiến tổng thu ngân sách năm 2022 khoảng 1,41 triệu tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, dự toán ngân sách năm 2022 xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6-6,5% so với năm nay, giá tiêu dùng tăng bình quân 4%, xuất khẩu tăng 5,2%, giá dầu thô khoảng 60 USD/thùng.
Từ đó, Bộ Tài chính dự kiến tổng thu ngân sách năm tới khoảng 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 3,4% so với ước tính thực hiện năm 2021 (tương đương huy động khoảng 15% GDP). Trong đó, số thu từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.
Chi ngân sách nhà nước năm tới dự kiến khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm 29,5% tổng chi ngân sách nhà nước (khoảng 526.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm nay); chi trả nợ chiếm khoảng 5,8% tổng chi (tương đương hơn 103.000 tỷ đồng), giảm 5,8% so với năm nay.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất chi thường xuyên khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng hơn 5% so với dự toán năm nay. Phần tăng chi chủ yếu bố trí hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ an sinh, tăng lương hưu, trợ cấp người có công...
Năm 2022, Bộ Tài chính dự kiến mức bội chi là 372.900 tỷ đồng, tương ứng khoảng 4% GDP (bằng tỷ lệ dự toán năm 2021). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21 - 22% tổng thu NSNN. Đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 43 - 44% GDP.
Dự kiến bội chi giai đoạn 2022 - 2024 là khoảng 3,8% GDP. Nợ công đến năm 2024 khoảng 43 - 44% GDP.
Để bảo đảm bội chi theo dự toán, Bộ Tài chính sẽ thực hiện tốt công tác quản lý thu; tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ; tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục rà soát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai.
Đồng thời, Chính phủ quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, cơ cấu nợ công theo hướng bền vững; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.