Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của Tổng thống Mỹ kể từ khi nhậm chức và cũng là lần đầu tiên khi vừa nhậm chức tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đón nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ. Do đó chuyến thăm đã có những kết quả tốt đẹp thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Nhiều hội đàm quan trọng
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu vào lúc 1h32 chiều ngày 21/5 (giờ địa phương) tại văn phòng làm việc của Tổng thống Yoon ở quận Yongsan (Seoul).
Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Mỹ lần này gồm hội đàm quy mô nhỏ, hội đàm riêng giữa hai nhà lãnh đạo, và hội đàm mở rộng, kéo dài tổng cộng 90 phút.
Quốc kỳ Mỹ và Hàn Quốc tại Đại sứ quán Mỹ ở Seoul. (Ảnh: EPA)
Theo Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS), tại cuộc hội đàm quy mô nhỏ có sự tham gia của Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Sung-han, Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Daniel Kritenbrink.
Tham dự hội đàm mở rộng, phía Hàn Quốc có 11 nhân sự như Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho, Ngoại trưởng Park Jin, Bộ trưởng Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Lee Chang-yang, Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Kim Sung-han và ông Cho Tae-yong, người được chỉ định làm Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ. Phía Mỹ cũng có 11 người, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Cố vấn Sullivan, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink, Quyền Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Christopher Del Corso.
Vấn đề nghị sự chính trong các cuội hội đàm được thảo luận gồm vấn đề an ninh như phương án đối phó với hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, hợp tác an ninh kinh tế như "đồng minh công nghệ", hợp tác khu vực.
Tập trung vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên và hợp tác kinh tế
Trong buổi họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra Tuyên bố chung về kết quả hội đàm.
Lãnh đạo hai nước cho biết đã chia sẻ mục tiêu phát triển quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ thành quan hệ đồng minh chiến lược toàn diện toàn cầu nhân hội nghị thượng đỉnh lần này; thảo luận chặt chẽ về các phương án thực hiện cụ thể như phương án hợp tác trong vấn đề Triều Tiên, vấn đề an ninh kinh tế, phương án hợp tác toàn cầu. Tổng thống hai nước cho rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và sự ổn định của Bán đảo Triều Tiên và thế giới.
Hai nhà lãnh đạo cam kết đẩy mạnh hơn nữa trạng thái phòng thủ liên quân đối phó với Triều Tiên và tái khẳng định quyết tâm chuyển giao quyền tác chiến thời chiến có điều kiện cho Seoul. Tổng thống hai nước nhất trí sẽ thảo luận về việc mở rộng quy mô và phạm vi tập trận chung trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận, cân nhắc tới mối đe dọa ngày một gia tăng từ Bình Nhưỡng.
Tiếp đó, hai bên nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc triển khai tài sản chiến lược tới Bán đảo Triều Tiên một cách kịp thời và có sự trao đổi trước với Seoul trong các tình huống cần thiết, trong trường hợp Triều Tiên có hành vi gây tổn hại tới sự ổn định của Bán đảo Triều Tiên và khu vực; thực hiện các bước đi mới để tăng cường năng lực răn đe.
Tuyên bố chung còn có nội dung nhất trí tái khởi động Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng (EDSCG) trong thời gian sớm nhất. Đây là một cơ chế thảo luận cấp cao song phương đã bị gián đoạn kể từ sau năm 2018.
Tuyên bố nhấn mạnh phi hạt nhân hóa toàn diện Bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chung của hai nước Hàn-Mỹ, nhất trí tăng cường phối hợp chặt chẽ để đạt mục tiêu này. Tổng thống hai nước nhấn mạnh vẫn để ngỏ con đường đối thoại nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên theo hướng hòa bình và ngoại giao, hối thúc nước này quay trở lại đàm phán.
Trong tuyên bố chung lần này, hai nước đã sử dụng cụm từ "phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách toàn diện" thay cho cụm từ "phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" (CVID), điều có thể kích động Triều Tiên. Tuy nhiên, trong buổi họp báo chung, Tổng thống Yoon nói rõ bằng cụm từ "phi hạt nhân hóa toàn diện Triều Tiên".
Tuyên bố chung cùng ngày không đề cập tới các thỏa thuận trong quá khứ với Triều Tiên, như Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm năm 2018, Tuyên bố chung Mỹ-Triều công bố sau Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ nhất tại Singapore cùng năm.
Trong Tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ tháng 5/2021, Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Moon Jae-in tái khẳng định niềm tin rằng đối thoại và ngoại giao dựa trên các cam kết liên Triều, Mỹ-Triều trước đây, như Tuyên bố Bàn Môn Điếm, Tuyên bố chung Mỹ-Triều tại Singapore năm 2018 là điều thiết yếu để phi hạt nhân hóa toàn diện, thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.
Ở lĩnh vực an ninh kinh tế, hai nước nhất trí tăng cường phối hợp, lập ra một cơ chế đối thoại về an ninh kinh tế, để trao đổi thường xuyên và hợp tác ở các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, khoa học công nghệ cao. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác công-tư nhằm bảo hộ và thúc đẩy các công nghệ mới nổi, công nghệ trọng tâm, như chíp bán dẫn công nghệ cao, pin ô tô điện thân thiện môi trường, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học, sản xuất sinh học, robot tự hành. Đặc biệt, lãnh đạo Hàn Quốc chính thức công bố về việc tham gia vào sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước nhất trí mở rộng hợp tác về năng lượng nguyên tử, xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng nguyên tử có năng lực hồi phục. Hai bên cam kết sẽ đẩy nhanh việc phát triển lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và bố trí trên toàn thế giới.
Về các vấn đề nổi cộm toàn cầu, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tích cực hợp tác cùng cộng đồng quốc tế giải quyết sớm tình hình chiến sự Nga-Ukraine. Hai bên cũng nhất trí tích cực tham gia vào nỗ lực đối phó với dịch Covid-19 của cộng đồng quốc tế, lập văn phòng điều phối Hội nghị an ninh y tế toàn cầu (GHS) tại Seoul.
Như vậy, có rất nhiều vấn đề lớn được hai bên thống nhất đó là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và việc Hàn Quốc tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng. Đây là những vấn đề quan trọng làm nền tảng cho giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai hệ nước trong thời gian tới.