Theo Lầu Năm Góc, phòng thí nghiệm quốc gia Sandia tiến hành thử nghiệm từ cơ sở bay Wallops của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Hải quân Mỹ cho biết đây là nơi đánh giá các thiết bị điều hướng và liên lạc vũ khí siêu thanh, cũng như các vật liệu tiên tiến có thể chịu nhiệt trong "môi trường siêu thanh thực tế".
Mỹ thông báo thử thành công các phần của vũ khí siêu vượt âm. (Ảnh: Reuters)
Các vũ khí siêu âm được phóng từ tên lửa trong tầng khí quyển trước khi lao tới mục tiêu với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tức khoảng 6.200 km/giờ.
“Những tên lửa này chứa trọng tải thử nghiệm cung cấp dữ liệu về hiệu suất của vật liệu và hệ thống trong môi trường siêu vượt âm thực tế. Kết quả đánh giá sẽ xác thực hiệu quả thử nghiệm trên mặt đất và thử nghiệm đầy đủ. Dữ liệu thu thập được từ tên lửa nghiên cứu sẽ giúp cải thiện khả năng chiến đấu cho cả hải quân và lục quân, nhằm đảm bảo việc tiếp tục chiếm ưu thế trên chiến trường", hải quân Mỹ cho hay.
Các tập đoàn công nghiệp như Lockheed Martin và Raytheon Technologies đang làm việc để phát triển khả năng vũ khí siêu thanh của Mỹ.
Để tăng tốc độ phát triển, trước đó, Lầu Năm Góc tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm nguyên mẫu lần này sử dụng tên lửa định âm, một phương tiện thử nghiệm nhỏ hơn và do đó chi phí tiến hành cũng thấp hơn.
Cuộc thử nghiệm hôm 26/10 diễn ra với mục đích Mỹ muốn xác nhận tương lai của chương trình Vũ khí Siêu thanh Tầm xa (Long Range Hypersonic Weapon - LRHW) của Lục quân và chương trình Đột kích Nhanh Thông thường của Hải quân (Conventional Prompt Strike - CPS).
Mỹ và các đối thủ đã tăng tốc độ chế tạo vũ khí siêu thanh. Lầu Năm Góc đang cố đạt được khả năng chiến đấu siêu vượt âm, trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng Mỹ đang tụt sau Nga và Trung Quốc trong việc phát triển vũ khí siêu vượt âm.
Mỹ đặt việc phát triển vũ khí siêu vượt âm là một trong những ưu tiên hàng đầu, sau khi Trung Quốc tiến hành thành công các vụ phóng siêu vượt âm hồi năm ngoái và Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm trong cuộc chiến ở Ukraine.