Bloomberg dẫn thông báo của Lầu Năm Góc ngày 30/6 cho biết, đợt thử nghiệm mới nhất của chương trình tên lửa siêu thanh CPS của Hải quân Mỹ (Conventional Prompt Strike) diễn ra không như mong đợi.
Lầu Năm Góc không cung cấp thông tin chi tiết về những gì đã xảy ra, chỉ nói rằng “có sự cố trong quá trình tên lửa khởi động”.
Lầu Năm Góc đang phát triển nhiều chương trình tên lửa siêu thanh khác nhau nhưng không phải chương trình nào cũng thành công. (Ảnh: U.S. Army)
“Mặc dù chúng tôi không thể thu thập dữ liệu về cuộc thử nghiệm, nhưng sự cố lần này vẫn mang đến những thông tin có giá trị cho chương trình CPS”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc - Trung tá Hải quân Tim Gorman nói.
Cuộc thử nghiệm trên là một phần của chương trình tên lửa siêu thanh Đột kích nhanh thông thường (CPS), trong đó hãng Lockheed Martin phát triển một loại vũ khí có khả năng bay với tốc độ Mach 5 trở lên, và có thể phóng đi từ tàu chiến và tàu ngầm. CPS này được cho là sẽ được triển khai trên các tàu khu trục Zumwalt và tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia.
Được biết đây là lần thử nghiệm thất bại thứ hai của chương trình CPS. Trong lần bay thử đầu tiên vào tháng 10/2021, khi một động cơ đẩy mang theo phương tiện lướt siêu thanh không thể rời bệ phóng tại Khu phức hợp vũ trụ Thái Bình Dương Kodiak (Alaska).
Mặc dù thất bại trong cả hai cuộc thử nghiệm, nhưng Lầu Năm Góc vẫn tự tin rằng họ đang “trên đà phát triển khả năng tấn công và phòng thủ siêu thanh”.
Chương trình CPS cho phép hải quân Mỹ tăng đáng kể sức mạnh của các nhóm tàu khu trục và tàu ngầm hạt nhân tiên tiến. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Theo Bloomberg, Lầu Năm Góc đang phải chịu áp lực không nhỏ trong việc triển khai hệ thống vũ khí siêu thanh khi các đối thủ bao gồm Nga, Trung Quốc đang từng bước đưa loại vũ khí này vào trang bị. Đã có một số thử nghiệm thành công theo các chương trình tên lửa siêu thanh khác nhau của Mỹ, nhưng chưa có mẫu tên lửa nào được đưa vào hoạt động.
Vũ khí siêu thanh được xác định là loại vũ khí nằm giữa “vũ khí quy ước” và “vũ khí răn đe”, tức loại vũ khí mang tính huỷ diệt cao. Chính vì định nghĩa này vũ khí siêu thanh được xem như là có khả năng sử dụng ở cả hai hình thức: trong các cuộc chiến tranh quy ước và chiến tranh huỷ diệt bởi các tính năng vượt trội của nó.
Tốc độ tối thiểu của một hệ thống vũ khí siêu thanh phải vượt ngưỡng 6.000km/h. Để so sánh, tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ được phóng từ tàu chiến cần hơn 1 giờ để bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.000 km, trong khi đó tên lửa siêu thanh chỉ cần khoảng 8 phút.