Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết, gói vũ khí sẽ bao gồm hệ thống phòng không, hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) và đạn dược. Các quan chức cũng lưu ý rằng gói viện trợ này chưa được Washington báo cáo.
Theo nguồn tin, Mỹ sẽ sử dụng tiền trong chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) cho đợt viện trợ này, cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp thay vì lấy từ kho vũ khí dự trữ của Mỹ.
Quân nhân Ukraine mở gói tên lửa chống tăng Javelin, được vận chuyển bằng máy bay trong gói hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Trong số các hệ thống và đạn dược Mỹ dự định trang bị cho Kiev có Tổ hợp tên lửa ISR module bất khả tri chống UAV (Vampire) do L3Harris Technologies sản xuất. Ngoài ra còn có hai loại khác là máy bay không người lái Phoenix Ghost do Avevex - một công ty tư nhân ở California sản xuất, và Switchblade do AeroVironment sản xuất.
Ukraine cũng sẽ nhận được một số lượng đáng kể các hệ thống chống máy bay không người lái do công ty DroneShield của Úc sản xuất cùng với các radar, cảm biến và hệ thống phân tích tối tân.
Thông báo sắp tới của Bộ Quốc phòng Mỹ về gói hỗ trợ an ninh cho Ukraine dự kiến diễn ra vào hôm nay 19/7, cùng thời điểm với cuộc họp trực tuyến của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, một tập hợp các đồng minh hỗ trợ Kiev khi Ukraine tiến hành phản công chống lại các lực lượng Nga.
Việc cung cấp vũ khí và hệ thống phòng thủ phụ thuộc vào tính khả dụng và thời gian sản xuất của từng loại. Do đó, nội dung và giá trị của gói này cũng có thể thay đổi cho đến khi có thông báo chính thức.
Lầu Năm Góc đã chuyển hơn 10,8 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) trong năm tài chính 2023 trong 7 đợt viện trợ riêng biệt. Gói vũ khí tiếp theo sẽ là gói viện trợ quân sự thứ 8 từ Washington. Trước đó, trong năm tài chính 2022, Washington đã sử dụng quỹ USAI trị giá 6,3 tỷ USD để mua sắm quốc phòng cho Ukraine.