Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mỹ hứng hậu quả lớn từ lệnh cấm nhập dầu Nga?

(VTC News) -

Nhà Trắng quyết định ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga khi Moskva gây chiến với Ukraine, điều này có thể đẩy giá khí đốt của Mỹ tăng vọt thời gian tới.

Hôm 8/3, Tổng thống Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Moskva đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Lệnh cấm áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa là dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá của Moskva.

Đòn trừng phạt của chính quyền Biden cũng cấm các khoản đầu tư mới của Mỹ vào lĩnh vực năng lượng của Nga, đồng thời ngăn người Mỹ tài trợ hoặc tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài đầu tư để sản xuất năng lượng ở Nga.

Tờ The New York Times nhận định, động thái này có thể gây ra những hậu quả lớn với nền kinh tế Mỹ, đẩy giá dầu và khí đốt lên cao hơn trong khi lạm phát tăng nhanh. Tuy nhiên, tác động từ lệnh cấm này đối với kinh tế Mỹ kéo dài bao lâu vẫn là câu hỏi chưa thể trả lời vào lúc này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tương tự, tờ The Hill cho rằng việc Mỹ từ chối nhập khẩu năng lượng của Nga có thể khiến nước này thiệt hại lớn về tài chính. “Mỹ có thể tìm cách để sống sót khi ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, song điều này gần như chắc chắn sẽ kéo theo những thiệt hại lớn về tài chính”, tờ The Hill viết.

Theo tờ báo này, nguồn năng lượng từ Nga chiếm hơn 8% tổng kim ngạch nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Mỹ. Do đó, việc áp đặt lệnh cấm nhập sản phẩm dầu và khí đốt từ Nga dẫn đến việc tăng giá đáng kể, “ít nhất là cho đến khi các nguồn cung cấp năng lượng khác đến từ một nơi nào đó”.

Trích dẫn báo cáo của JPMorgan, The Hill lưu ý rằng các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể quyết định tăng sản lượng và xuất khẩu dầu sang Mỹ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng thay thế nguồn cung của Moskva cho Washington.

Trước khi Mỹ công bố lệnh cấm, những thông tin về việc chính quyền Biden quyết định trừng phạt Nga được cho là nguyên nhân giá hàng hóa lên cao hơn trong những ngày gần đây. “Mọi thứ đã rất bất ổn”, Omair Sharif, người sáng lập của Inflation Insights, nói và cho rằng xung đột ở Ukraine rõ ràng đang đẩy giá khí đốt hàng hóa lên cao hơn.

Trong khi lệnh cấm dầu khí gần như chắc chắn sẽ đẩy lạm phát cao hơn ở Mỹ, các nhà kinh tế nói rằng quy mô hậu quả kinh tế sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách nó được cấu trúc, trong đó có việc châu Âu có đưa ra quyết định cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga hay không vẫn chưa rõ ràng.

Caroline Bain, nhà kinh tế tại Capital Economics, ước tính giá hàng hóa vốn đã cao sẽ tăng lên trên quy mô toàn cầu. Dầu thô Brent có thể đạt khoảng 160 USD/thùng, giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 6% lên khoảng 130 USD/thùng vào giữa ngày 8/3. Trong khi đó, cuối năm 2021, giá dầu thô Brent chỉ ở mức khoảng 78 USD/thùng.

Ông Omair Sharif cho rằng, lạm phát của Mỹ có thể đạt đỉnh 8,3% vào tháng 3, do giá xăng tăng vọt. Trước khi xung đột Ukraine xảy ra, ông đã kỳ vọng nó sẽ giảm xuống 2,7% vào cuối năm nay.

Lệnh cấm nhập dầu và khí đốt Nga của chính quyền Biden có thể khiến giá hàng hóa ở Mỹ tăng vọt.

Dù thừa nhận lệnh cấm vận này sẽ khiến giá năng lượng tiếp tục tăng lên song ông Biden cam kết sẽ làm mọi việc có thể để giảm thiểu tác động tiêu cực đến người dân, đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp năng lượng trong nước lợi dụng tình hình để trục lợi, thao túng giá.

Nhà Trắng được cho đang tìm cách thảo luận với đối tác Trung Đông để tìm kiếm nguồn nhập khẩu dầu và khí đốt thay thế từ Nga. Tuy nhiên, ông Morgan Bazilian, Giám đốc Viện Payne (Colorado, Mỹ) nhận định “các nhà cung cấp năng lượng Trung Đông không tìm cách giúp Washington đối phó với hậu quả của các lệnh trừng phạt chống Nga”.

Mới đây, Wall Street Journal dẫn lời quan chức Trung Đông và Mỹ cho biết cả Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman và Thái tử tiểu vương Abu Dhabi của UAE, Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan đều từ chối sau khi Washington đề xuất về một cuộc thảo luận với ông Biden trong bối cảnh giá dầu biến động mạnh.

Kông Anh

Tin mới