Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ đổi lập trường, muốn thế giới bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19

(VTC News) -

Mỹ đã thay đổi lập trường và ủng hộ việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19, nhưng việc hiện thực hóa quyết định này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Hôm 5/5, trước áp lực ngày càng tăng từ các nhà lập pháp đảng Dân chủ và hơn 100 quốc gia khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngay sau tuyên bố của ông Biden, đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Mỹ sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán với tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc loại bỏ các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đang diễn ra, và những trường hợp đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đòi hỏi các biện pháp đặc biệt”, bà Tai đề cập đến tình hình đáng lo ngại tại Ấn Độ, đất nước đang điêu đứng trước làn sóng COVID-19 thứ hai. Đại diện thương mại Mỹ lo ngại rằng những biến chủng mới có thể kháng vaccine sẽ xuất hiện trong các đợt bùng phát này, gây cản trở quá trình hồi phục của thế giới.

Tuyên bố mới của Tổng thống Mỹ Biden và bà Katherine Tai đi ngược hoàn toàn với quan điểm trước đây của nước này. Tổng giám đốc tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi động thái của ông Biden là "khoảnh khắc vĩ đại trong cuộc chiến chống COVID-19". Lãnh đạo WHO nói thêm rằng việc này phản ánh "sự lãnh đạo khôn ngoan và đầy nhân văn của nước Mỹ".

Tuyên bố mới của Tổng thống Biden đi ngược hoàn toàn với quan điểm trước đây của Mỹ về bằng sáng chế vaccine COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Sự phẫn nộ của các công ty dược phẩm

Động thái mới của Mỹ rất có thể khiến các công ty dược phẩm tức giận.

Trái với sự sụt giảm của nền kinh tế thế giới, doanh thu của các công ty dược phẩm phát triển vaccine COVID-19 lại tăng mạnh trong thời kỳ khủng hoảng vì đại dịch.

Hôm 4/5, công ty Pfizer công bố ​​doanh số bán vaccine COVID-19 dự kiến đạt ít nhất 26 tỷ USD trong năm nay. Chưa kể nhu cầu tiêm chủng trên toàn thế giới đang tăng mạnh do các nước đang đấu tranh ngăn chặn đợt dịch mới, cũng như sự tăng trưởng của dịch bệnh trong nhiều năm tới.

Nếu quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 bị loại bỏ, các công ty này sẽ để mất một khoản lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy, động thái của ông Biden có thể làm giảm sự đầu tư của các công ty dược cho phản ứng chống dịch, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và khiến chiến dịch tiêm chủng bị đình trệ.

Doanh thu của các công ty dược phẩm phát triển vaccine COVID-19 tăng mạnh trong thời kỳ khủng hoảng vì đại dịch. (Ảnh: Reuters)

Mới đây, cổ phiếu của các nhà sản xuất vaccine Moderna và Novavax đã giảm vài phần trăm trong giao dịch thông thường, cổ phiếu của công ty phát triển vaccine Pfizer cũng giảm nhẹ.

Theo nguồn tin của Reuters, các công ty Mỹ sẽ đấu tranh để hạn chế các thỏa thuận liên quan đến loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19.

Tiến sĩ Amesh Adalja, nhà nghiên cứu cấp cao tại trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, đồng ý với ý kiến cho rằng việc loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 sẽ gây ra thiệt hại lớn cho các công ty dược phẩm đã đầu tư tài chính để phát triển vaccine. Tuy nhiên, phe ủng hộ khẳng định thiệt hại của quyết định này là không đáng kể vì bất kể sự miễn trừ bằng sáng chế nào cũng chỉ là tạm thời, các công ty vẫn thu được lợi nhuận từ việc bán vaccine trong nhiều năm tới.

Nhà phân tích Brian Skyers của công ty Robert W. Baird cho rằng chính quyền Biden đã tiến hành thảo luận về vấn đề này, tuy nhiên kết quả không thể thay đổi luật về bằng sáng chế. Theo ông Skyers, đây là một vấn đề nan giải khó mà thay đổi được nhiều.

Nếu quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 bị loại bỏ, các công ty dược phẩm sẽ để mất một khoản lợi nhuận khổng lồ. (Ảnh: Reuters)

Sẽ có đàm phán kéo dài

Tuyên bố hôm 5/5 tạo điều kiện cho đợt đàm phán kéo dài nhiều tháng nhằm đặt ra kế hoạch cụ thể để loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine. Sở dĩ thời gian dự kiến dài như vậy là do quyết định của WTO cần có sự đồng thuận của tất cả 164 nước thành viên.

Bà Tai cũng cho biết việc cân nhắc quyết định này cần nhiều thời gian, nhưng bà khẳng định trong khi chờ đợi, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sản xuất và phân phối nguyên liệu thô cùng vaccine COVID-19 thành phẩm để phân bố trên toàn thế giới.

Trước đó, Mỹ đã cùng một số quốc gia khác phản đối cuộc đàm phán của WTO về đề xuất do Ấn Độ và Nam Phi đặt ra. Hai nước này mong muốn loại bỏ các biện pháp bảo hộ đối với một số bằng sáng chế và công nghệ sản xuất vaccine COVID-19, cũng như thúc đẩy việc sản xuất vaccine ở các nước đang phát triển.

Phe phản đối cho rằng việc sản xuất vắc xin COVID-19 rất phức tạp, do vậy không nên thiết lập sản xuất tại các cơ sở mới để tránh làm chuyển hướng nguồn lực sản xuất tại các địa điểm hiện có. Họ đưa ra dẫn chứng rằng các công ty dược phẩm ở cả các nước giàu có và nước đang phát triển đã đạt được hơn 200 thỏa thuận chuyển giao công nghệ để mở rộng nguồn cung cấp vaccine COVID-19. Việc này cho thấy hệ thống hiện tại đang hoạt động tốt.

WTO sẽ tổ chức họp về vấn đề này vào ngày 6/5, nhưng không rõ liệu quyết định của Mỹ có tác động được đến các nước khác, bao gồm cả liên minh châu Âu và Anh hay không.

WTO sẽ tổ chức họp về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19 vào ngày 6/5. (Ảnh: Reuters)

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020, ông Biden từng hứa sẽ gắn kết lại quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh, cũng như tái lập vị trí của Mỹ trên thế giới sau. Giờ đây, ông phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc chia sẻ nguồn cung cấp vaccine và công nghệ để ngăn chặn đại dịch COVID-19 với các quốc gia khác.

Quyết định của ông được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại Ấn Độ và xuất hiện dấu hiệu cho thấy làn sóng COVID-19 đang lan sang Nepal, Sri Lanka cùng các nước láng giềng khác.

Động thái ủng hộ việc miễn trừ bằng sáng chế với vaccine COVID-19 của chính quyền Washington đã đáp ứng được yêu cầu của các nước cánh tả và các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters cho biết nước này có thể sử dụng các cuộc đàm phán của WTO để thu hẹp phạm vi miễn trừ.

Trần Trang

Tin mới